Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 “quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học”. Như vậy các loại sách, các loại báo giấy, báo mạng, các bản tin ngắn…cũng được coi là một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Các bài báo mạng là đối tượng thường xuyên gặp tình trạng vi phạm bản quyền tác giả (ảnh: HT)

Luật cũng quy định “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử; sao chép, sử dụng tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả”. Như vậy, các hành vi phát tán, phân phối tác phẩm của tác giả khác đến công chúng mà không được sự đồng ý của tác giả có thể bị xem là hành vi vi phạm quyền tác giả.

Xử phạt vi phạm quyền tác giả như thế nào?

Theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút mà không vi phạm quyền tác giả

Đáng chú ý, Luật SHTT cũng quy định một số trường hợp đặc biệt mà việc sử dụng sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút mà không hề vi phạm quyền tác giả, cụ thể:

“1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;

c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

đ) Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

e) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào;

g) Ghi âm, ghi hình trực tiếp buổi biểu diễn để đưa tin thời sự hoặc để giảng dạy;

h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu hình ảnh của tác phẩm đó;

i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

k) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người khác để sử dụng riêng.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

3. Các quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.”

Như vậy, Luật SHTT đã có những quy định tương đối rõ ràng về những hành vi được phép và không được phép khi sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan, cũng như những chế tài xử phạt nếu vi phạm. Những quy định này có thể có lợi cho việc truyền đạt những kiến thức khoa học đến công chúng cũng như những hành vi vì mục đích phi thương mại nói chung mà không lo ngại việc vi phạm quyền tác giả.

Thực hiện: Hữu Thống




Chia sẻ