TÊN TÁC GIẢ:
Nguyễn Quang Đức, Cao Khánh Gia Hy, Bùi Ngô Hoàng Long, Phan Quốc Long, Lê Đỗ Thanh Bình – Trường Đại học Bách Khoa ĐHQG-HCM
VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT:
Ở nước ta hiện có khoảng 1 đến 2,5 triệu người khiếm thanh và người khiếm thính tương đương với cả một tỉnh nằm trong nhóm 1 về quy mô dân số, như Bắc Ninh, Quảng Ninh, tuy nhiên có rất ít phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Riêng tại Hà Nội hiện chỉ có 6 người đạt đến trình độ có thể dịch các lĩnh vực cho người điếc, trong cả nước có khoảng 10 người [1].
Hiện nay, những người khiếm thanh, khiếm thính hiện vẫn đang sử dụng thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam) để giao tiếp trong cuộc sống (Hình 1 ).
Hình 1: Hệ thống ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam
Tuy nhiên, hệ thống thủ ngữ này có những điểm hạn chế như sau:
● Người tương tác buộc phải biết thủ ngữ.
● Thời gian tương tác lâu.
● Dễ bị hiểu nhầm.
● Nhu cầu sử dụng lớn nhưng tại Việt Nam còn khá ít các trung tâm dạy thủ ngữ, ngành thông dịch viên thủ ngữ cũng ít được giảng dạy tại các trường đại học.
✔ Ý tưởng: Chính vì vậy, dự án “Thiết bị giao tiếp thông minh dành cho người khiếm thanh, khiếm thính – Speak your mind” (thiết bị SYM) là thiết bị giao tiếp chuyển ngôn ngữ ký hiệu sang văn bản và giọng nói để những người khiếm thanh, khiếm thính dễ dàng trao đổi thông tin với mọi người.
✔ Thiết bị SYM của chúng tôi sử dụng công nghệ AI để chuyển thủ ngữ của những người này sang dạng văn bản và giọng nói phát ra từ các thiết bị điện thoại thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0.
Đối tượng khách hàng chính:
❖ Đối tượng khách hàng mục tiêu trước mắt của sản phẩm hướng đến trong 3 năm tới là cá nhân những người khiếm thanh, khiếm thính và phụ huynh của những người bị khiếm thanh, khiếm thính tại Việt Nam.
- Bên cạnh đó, trong những năm tiếp theo chúng tôi sẽ mở rộng quy mô ra các trung tâm bảo trợ người khuyết tật, mái ấm, nhà mở và đối tượng khách hàng không khiếm thanh, khiếm thính nhưng muốn học thủ ngữ, các trung tâm dạy thủ ngữ tại Việt Nam.
❖ Đối tượng khách hàng ngắn hạn: là cá nhân những người khiếm thanh, khiếm thính hay phụ huynh của các bé khiếm thanh, khiếm thính
- Những người khiếm thanh, khiếm thính (đối tượng sử dụng/ đối tượng thụ hưởng): trực tiếp sử dụng thiết bị để dễ dàng trao đổi, giao tiếp với mọi người xung quanh, truyền đạt ý tưởng trong công việc.
- Ngoài ra, thiết bị có thể hỗ trợ những người này trình bày hoàn cảnh khi tham gia trợ cấp xã hội hay trình bày tình trạng sức khỏe khi tham gia khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế, bệnh viện.
- Phụ huynh của các bé khiếm thanh, khiếm thính (đối tượng sử dụng/ đối tượng chi trả): đây là những người sẵn sàng chi trả cho thiết bị để con của họ được tự do, thoải mái bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc với mọi người, dễ dàng giao tiếp, học tập, tham gia các hoạt động khác với bạn bè cùng trang lứa. Bản thân họ có thể cũng cần trang bị thiết bị này cho riêng mình để cùng con học thủ ngữ và giao tiếp trong cuộc sống.
❖ Đối tượng khách hàng trung hạn: là các trung tâm bảo trợ người khuyết tật, mái ấm, nhà mở, các tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng,…
- Đây là đối tượng sẽ mua thiết bị với số lượng lớn. Mặc dù họ không phải là người trực tiếp sử dụng thiết bị, nhưng họ có nguồn kinh phí tương đối lớn từ các nhà tài trợ, mạnh thường quân trong và ngoài nước, sẵn sàng chi trả mua thiết bị để hỗ trợ những người khiếm thanh, khiếm thính.
❖ Đối tượng khách hàng dài hạn: là những người có thể không khiếm thanh, khiếm thính nhưng muốn dùng sản phẩm để hỗ trợ học thủ ngữ, các trung tâm dạy thủ ngữ.
- Khách hàng muốn học thủ ngữ: đây là đối tượng sử dụng thiết bị để học tập hoặc giảng dạy về thủ ngữ. Bên cạnh tính năng chính chuyển đổi thủ ngữ thành văn bản, giọng nói thì đối tượng này cần thêm những tính năng lưu trữ bài học, quản lý tiến độ học,… và cần nhiều dạng mẫu mã, thiết kế đẹp, sang trọng nên sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn cho các tính năng mở rộng hay cho các mẫu mã sang trọng, vừa ý.
- Các trung tâm dạy thủ ngữ: về nhu cầu, đối tượng này cũng giống với đối tượng muốn học thủ ngữ ở trên. Bên cạnh đó, họ không mua lẻ mà sẽ mua sản phẩm với số lượng lớn để cung cấp hoặc thậm chí đầu tư để bán lại cho học viên.
- Ngoài ra, để hỗ trợ việc dạy và học thủ ngữ thì chúng tôi còn đang phát triển thêm một ứng dụng đính kèm, chuyển lời nói, văn bản thành thủ ngữ. Khi đó việc giao tiếp không chỉ một chiều mà là hai chiều: thủ ngữ của người khiếm thanh, khiếm thính được dịch sang lời nói đến người đối diện và lời nói từ người đối diện được dịch sang thủ ngữ cho người khiếm thanh, khiếm thính.
ĐÃ CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP NÀO HIỆN NAY ĐỂ XỬ LÝ VẤN ĐỀ TRÊN
Tính độc đáo, sáng tạo
■ Sản phẩm chưa có trên thị trường Việt Nam và mang lại giá trị cho cộng đồng: Một nghiên cứu tiến hành tại Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2017 với 574 người khuyết tật chỉ ra rằng những người khuyết tật nói chung, người khiếm thanh, khiếm thính nói riêng rất ít được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, tỷ lệ thất nghiệp cao và bị cảm nhận bị kỳ thị ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần [2].
■ Theo số liệu thống kê năm 2019, nước ta có khoảng 1,5 đến 2 triệu người người khiếm thanh, khiếm thính và người khiếm thính, tuy nhiên số lượng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chuyên nghiệp lại chỉ có khoảng hơn 10 người, đây là một sự chênh lệch quá lớn [3].
■ Vì vậy sản phẩm chuyển thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu) sang văn bản và chữ viết mang lại sự hỗ trợ giao tiếp đáng kể cho những người khiếm thanh, khiếm thính. (Hình 2)
Hình 2: Hơn 2.000 học sinh khiếm thính được học bằng ngôn ngữ ký hiệu [4]
Giá thành sản phẩm thấp: Những người khuyết tật nói chung, người khuyết tật nghe, nói nói riêng thường có thu nhập thấp: “Nhóm người điếc/khiếm thính có thu nhập bình quân cao nhất ở mức 3 triệu đồng một tháng, so với mức thu nhập chung trên cả nước 5,4 triệu đồng một tháng vào thời điểm nghiên cứu được tiến hành.” [4]. Vì vậy sản phẩm bán cho đối tượng khách hàng này cần phải có giá thành thấp. Sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này.
Tính cạnh tranh của sản phẩm:
❖ Điểm mạnh:
- Làm chủ công nghệ sản xuất, toàn bộ mã nguồn do nhóm tự xây dựng, thiết kế, hoàn toàn chưa có trên thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới.
- Toàn bộ sản phẩm được mã hóa bằng tiếng Việt, dễ dàng sử dụng đối với khách hàng. Bên cạnh đó, thiết bị cũng tích hợp các ngôn ngữ khác nhau đáp ứng các đối tượng khách hàng trên toàn thế giới.
- Là sản phẩm với những tính năng đáp ứng được những yêu cầu của khách hàng thông qua các khảo sát thị trường nhu cầu tại Việt Nam.
- Chất lượng sản phẩm tốt, giá cả hợp lý phù hợp cho người thu nhập thấp, thích hợp cho mọi độ tuổi, thiết kế nhỏ gọn, dễ lắp đặt, dễ mang theo bên người mọi lúc mọi nơi.
❖ Điểm yếu:
- Chưa có tên tuổi trên thị trường.
- Thiết kế còn thô sơ, chưa đẹp mắt, sang trọng, chưa có nhiều mẫu mã.
- Nét khác biệt: Sản phẩm hiện tại chưa có trên thị trường Việt Nam nên chưa có đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm có giá trị vì cộng đồng, đóng vai trò tiên phong trong việc xóa bỏ rào cản giao tiếp với người khiếm thanh, khiếm thính.
GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
Giới thiệu sản phẩm
- Tên sản phẩm: “Thiết bị giao tiếp thông minh dành cho người khiếm thanh, khiếm thính – Speak your mind” (thiết bị SYM).
- Về công nghệ:
■ Ứng dụng AI để chuyển các động tác thủ ngữ thành văn bản và giọng nói giúp cho việc giao tiếp của người khiếm thanh, khiếm thính với cộng đồng dễ dàng hơn.
■ Chuỗi hình ảnh thủ ngữ của người dùng được ghi nhận từ camera sẽ đi qua bộ nhận diện các điểm chốt của bàn tay MediaPipe của Facebook và được trích xuất thành các đặc trưng.
■ Mô hình AI được huấn luyện trước bằng mạng học sâu sẽ dự đoán từ tương ứng.
■ Kết quả này sẽ xuất ra dưới dạng văn bản và giọng nói thông qua Text2Speech API của Google (Hình 3).
Hình 3: Luồng xử lý của ứng dụng
- Về thiết kế:
■ Camera nhỏ gọn và các linh kiện điện tử được lắp đặt trong hộp nhựa gắn vào nón của người dùng.
■ Vật liệu sử dụng cho hộp chứa linh kiện điện tử là nhựa sinh học (Polylactic Acid – PLA) không độc hại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và có khả năng dễ phân hủy, thân thiện với môi trường (Hình 4).
■ Khi người dùng nhấn nút khởi động của thiết bị, camera này sẽ ghi nhận và chuyển dòng hình ảnh vào ứng dụng của chúng tôi đã cài đặt sẵn trên điện thoại thông minh của người dùng. Ứng dụng sẽ sử dụng các công nghệ ở trên để chuyển dòng hình ảnh thủ ngữ thành văn bản và giọng nói tương ứng hiện lên màn hình và phát ra loa. Bằng cách này, người đối diện có thể hiểu được điều mà người khiếm thanh, khiếm thính cần truyền đạt mà không cần phải học qua thủ ngữ.
■ Ngoài ra, ứng dụng còn có chức năng lưu lại thủ ngữ cùng với văn bản và phát âm tương ứng. Chức năng này giúp cho những người muốn học thủ ngữ có thể lưu trữ bài học một cách dễ dàng. Nói cách khác, hệ thống của chúng tôi vừa là thiết bị dịch thủ ngữ sang văn bản và lời nói, vừa là ứng dụng hỗ trợ học thủ ngữ hiệu quả.
Hình 4: Nhựa PLA [5]
Khả thi về sản xuất
Quy trình sản xuất thiết bị (Hình 5) gồm 4 bước chính: In hộp chứa linh kiện, Lắp đặt, Sơn và Bao bì:
Hình 5: Quy trình sản xuất thiết bị
Hình 5: Cấu tạo mô-đun camera
- Công đoạn 1 (In hộp chứa linh kiện): Một nhân công làm việc tại máy in, thao tác với máy để in ra hộp chứa camera, các linh kiện điện tử.
- Công đoạn 2 (Lắp đặt): Một nhân công sẽ lắp đặt camera, các linh kiện vào mạch ESP32 và lắp vào hộp chứa.
- Công đoạn 3 (Sơn): Một nhân công đảm nhận nhiệm vụ sơn và làm đẹp thiết bị như thiết kế.
- Công đoạn 4 (Bao bì): Một nhân công đảm nhận vị trí bao bì sản phẩm
Cơ cấu chi phí, giá thành
Cơ cấu chi phí, giá thành sản xuất sản phẩm phiên bản đầu tiên được thể hiện trong bảng sau:
MÔ TẢ SẢN PHẨM / DỊCH VỤ / GIẢI PHÁP CỦA DỰ ÁN:
■ Sản phẩm là một thiết bị tích hợp phần mềm thông minh nhằm hỗ trợ người khiếm thanh có thể tương tác với mọi người một cách dễ dàng và thuận tiện hơn bằng cách chuyển đổi thủ ngữ thành văn bản và giọng nói.
■ Thiết bị bao gồm bao gồm hai thành phần: mô-đun camera được gắn trên nón và ứng dụng trên điện thoại Android. Cấu trúc tổng quan của hệ thống được mô tả như Hình 6 và giao diện của ứng dụng được thể hiện ở Hình 7 và Hình 8.
KẾ HOẠCH SẢN XUẤT, KINH DOANH:
Kế hoạch sản xuất
- Loại hình sản xuất:
■ Trong giai đoạn đầu, khi còn đang hoàn thiện và quảng bá sản phẩm, sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng – Make to Order. Đây là cách tiếp cận sản xuất trong đó các sản phẩm không được xây dựng cho đến khi nhận được đơn đặt hàng xác nhận cho sản phẩm. Do đó, ngoại trừ một số lượng dự trữ để cung cấp liền thì nhóm chỉ sản xuất khi nhận được đơn đặt hàng.
■ Trong giai đoạn tiếp theo, tùy theo nhu cầu thị trường, sẽ sản xuất linh hoạt hoặc sản xuất hàng loạt theo quy mô lớn để chiếm lĩnh thị trường hoặc định hướng xuất khẩu.
■ Các trang thiết bị cần xem xét để đầu tư cho sản xuất:
– Các nguyên vật liệu cần sử dụng trong sản xuất
– Số lượng sản xuất dự kiến và kế hoạch đầu tư trang thiết bị.
Phân tích và đánh giá rủi ro
Để đánh giá rủi ro về các tác động của môi trường và thị trường đến dự án, tiến hành phân tích rủi ro và đề xuất giải pháp đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh trong Bảng 7.
Giải pháp xây dựng các kênh phân phối hàng hóa.
- Sản phẩm sẽ được phân phối bởi 2 kênh phân phối chính đó là hình thức trực tiếp và gián tiếp:
- Kênh phân phối trực tiếp: Sản phẩm sẽ được bán qua Website, Facebook và đồng thời sẽ liên hệ các trung tâm bảo trợ người khuyết tật trên toàn quốc để giới thiệu, và chào bán.
- Kênh bán hàng trực tuyến: tiến hành phân tích các phương án khả thi để phân phối. Nhận thấy, Theo số liệu báo cáo Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam do iPrice insights cập nhật vào ngày 03/03/2020 cho thấy Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng [6]. Vì vậy, nhóm quyết định lựa chọn sử dụng Shopee làm kênh bán hàng online.
- Sau khi lựa chọn các kênh phân phối, có được kế hoạch dự kiến như trong bảng sau
Kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường
Lộ trình và các cột mốc phát triển của dự án theo từng năm được thể hiện trong Bảng 9.
KẾT QUẢ TIỀM NĂNG CỦA DỰ ÁN
4.1 Định giá sản phẩm
Dựa vào chi phí cố định 1 sản phẩm (dao động khoảng 405.600 VND) và chi phí biến động (Marketing, chiết khấu), đồng thời dựa vào phân khúc thị trường cùng những dòng sản phẩm cạnh tranh cùng phân khúc, SYM định giá sản phẩm phân phối đến tay End user là từ 800.000 VND đến 1.000.000 VND.
4.2 Dự kiến chi phí và doanh thu
Chi phí đầu tư được tính bằng chi phí thuê mặt bằng và chi phí đầu tư trang thiết bị trong từng năm thể hiện trong Bảng 6 Số lượng sản xuất dự kiến và kế hoạch sản xuất. Kết hợp tính toán với chi phí tương ứng trên Bảng 4 Chi phí đơn vị và công suất các loại trang thiết bị cho sản xuất, Bảng 5 Chi phí đơn vị và tên các nguyên vật liệu cần cho sản xuất có được kết quả tính toán kế hoạch đầu tư như sau
Đối với kế hoạch phân bổ nhân công chi tiết được thể hiện trong bảng 10 Cơ cấu tổ chức trong vòng 5 năm của SYM. Bởi vì nguồn lực thành viên là sinh viên, dự kiến tốt nghiệp sau năm 2022 tới nên mức lương cơ bản 2 năm đầu là 4 triệu và các năm tiếp theo là 7 triệu thể hiện trong Bảng 11.
Chi phí vận hành được tính bằng chi phí mua nguyên vật liệu, chi phí nhân sự, chi phí thuê máy, chi phí điện nước trong từng năm thể hiện trong Bảng 12 Số lượng sản xuất dự kiến và kế hoạch sản xuất. Kết hợp tính toán với chi phí tương ứng trên Bảng 5 Chi phí đơn vị và tên các nguyên vật liệu cần cho sản xuất, có được kết quả tính toán các chi phí vận hành như sau.
– Theo quy tắc đánh giá dựa trên kinh nghiệm thì chi phí marketing chiếm bao nhiêu doanh thu nói chung:
- Có thể thấy các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nên dành 6-12% doanh thu cho Marketing còn các doanh nghiệp B2B nên chia khoảng 2-6% doanh thu cho Marketing.
- Một báo cáo Hội đồng Giám đốc Marketing (CMO) năm 2010 chỉ ra rằng 16% các doanh nghiệp chi 5-6% doanh thu cho Marketing, và 23% doanh nghiệp dành hơn 6% cho hoạt động này.
- Các doanh nghiệp đang giới thiệu sản phẩm hoặc thương hiệu mới, hay thâm nhập thị trường mới thường chi đến 20% doanh thu (đôi khi là cao hơn) cho Marketing. Và nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng cao cấp thậm chí còn chi tiêu mạnh tay hơn cho hoạt động Marketing của mình.
- Sau khi nghiên cứu và tham khảo thị trường, 2 năm đầu SYM quyết định đầu tư 20% cho Marketing, năm 3 tập trung nguồn lực để đầu tư máy móc trang thiết bị và năm 4 và năm 5 giảm dần xuống là 5% cho Marketing. Chiến lược phân bổ Marketing cho SYM được thể hiện trong bảng 13.
Sau khi tính toán các chi phí và khấu hao, dòng tiền dự án kinh doanh SYM trong 5 năm đầu được thể hiện bên dưới. Trong đó:
– Chi phí quản lý chiếm từ 2% đến 5% trên tổng doanh số;
– Chi phí Marketing chiếm từ 5% đến 20% trên tổng doanh số;
– Chi phí phân phối chiếm 10% trên tổng doanh số.
– Tỷ suất lợi nhuận (ROS) là tỷ số giữa mức lợi nhuận thu được với tổng số vốn cố định và vốn lưu động được sử dụng trong cùng một kỳ. Từ đây, chúng ta có thể xác định tình hình sinh lợi thực tế của của dự án SYM kỳ vọng đạt 14% sau 5 năm phát triển. Mức tỷ suất lợi nhuận hoàn toàn có thể tăng cao hơn nếu phát triển công nghệ và gia tăng sản lượng máy bán ra.
– Trong 3 năm đầu hoạt động, nguồn nhân sự chính là 5 thành viên sáng lập vừa tự quản lý bộ phận đảm nhiệm vừa tham gia sản xuất, bán hàng, marketing. Trong những năm sau, tùy vào nhu cầu của khách hàng, lợi nhuận và quy mô công ty sẽ tuyển dụng thêm các vị trí sản xuất, sale, marketing,…
– Cơ cấu tổ chức của SYM trong 5 năm tới:
Đối tác: Trường Đại học Bách Khoa, Trung tâm ươm tạo DN Công nghệ TBI.
NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
Nguồn lực hiện tại
– Gồm 6 sinh viên tham gia đề tài và các giảng viên hướng dẫn của trường Đại học Bách Khoa:
Sinh viên:
- Nguyễn Quang Đức: sinh viên khóa 2018 khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính trường Đại học Bách Khoa
- Lê Đỗ Thanh Bình: sinh viên khóa 2018 khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính trường Đại học Bách Khoa
- Phan Quốc Long: sinh viên khóa 2018 khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính trường Đại học Bách Khoa
- Nguyễn Thành Lưu: sinh viên khóa 2018 khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính trường Đại học Bách Khoa
- Bùi Ngô Hoàng Long: sinh viên khóa 2018 khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính trường Đại học Bách Khoa
- Cao Khánh Gia Hy: sinh viên khóa 2020 khoa Quản lý công nghiệp trường Đại học Bách Khoa
Ban tư vấn:
PGS.TS Quản Thành Thơ: Phó trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính- Đại học Bách Khoa TPHCM.
✔ Tốt nghiệp tại trường Đại học Bách Khoa năm 1998 chuyên ngành Công nghệ thông tin, và nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore năm 2006.
✔ Phó trưởng khoa phụ trách về Học vụ của Khoa.
✔ Nghiên cứu trong lĩnh vực Phương pháp Chính thức, Phân tích và Kiểm định Chương trình, Semantic Web, Học máy/ Khai phá dữ liệu và các Hệ thống thông minh.
TS. Võ Thanh Hằng: Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên – Đại học Bách Khoa, tư vấn chuyên môn, học giả.
✔ Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Kyungpook National University, Hàn Quốc, chuyên ngành Kỹ thuật môi trường;
✔ Chuyên viên tại Quỹ Tái chế Sở Tài nguyên và Môi trường;
✔ Chuyên viên tại Chi cục Bảo vệ Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường;
✔ Chuyên viên tại Phòng Quản lý Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường;
✔ Chuyên viên tại Phòng Quản lý Môi trường – Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Tp.HCM;
✔ Tác giả của 5 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường được công bố trên các trang tạp chí uy tín gồm The 7th HCMUT-TKU-OPU-KMITL-DLU-TNU Joint Symposium on Chemistry, Environment and Natural Sciences and Technologies, 2019 International Conference on Environmental Quality Concern, Control and Conservation, Khoa học Công nghệ trẻ Bách Khoa 2019, Khoa Học Công nghệ của ĐHQG.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Kiều Tuyết, Nguyễn Yên. “Thiếu phiên dịch viên, bệnh nhân đặc biệt thiệt thòi về cơ hội chăm sóc y tế”. VOV Giao thông, chuyên mục Góc nhìn, 2020. Available: https://vovgiaothong.vn/thieu-phien-dich-vien-benh-nhan-dac-biet-thiet-thoi-ve-co-hoi-cham-soc-y-te
[2] Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường. “Xóa bỏ kỳ thị – Quan điểm và đánh giá của người khuyết tật”. Nhà xuất bản Tri thức, 2017. Available: http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2020/02/XOA-BO-KY-THI-VN.pdf
[3] Hải Anh. “Phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu, “nghề” kén người học bậc nhất”. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên mục Giáo dục 24h, 2021. Available: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phien-dich-vien-ngon-ngu-ky-hieu-nghe-ken-nguoi-hoc-bac-nhat-post217305.gd
[4] Thanh Hòa, “Hơn 2.000 học sinh khiếm thính được học bằng ngôn ngữ ký hiệu”. Báo Dân Sinh, chuyên mục Giáo dục nghề nghiệp, 2019. Available: https://baodansinh.vn/hon-2000-hoc-sinh-khiem-thinh-duoc-hoc-bang-ngon-ngu-ky-hieu-20190927155542301.htm
[5] Công Ty TNHH Sản Xuất & Thương Mại Mỹ Toàn. “Nhựa PLA”. Available: https://nhuadinhhinh.vn/nhua-pla/
[6] Nguyễn Nhất Duy, “iPrice Group: Tổng kết Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 hướng đến 2021”. iPrice, chuyên mục Xu hướng, 2020. Available: https://iprice.vn/xu-huong/insights/iprice-group-tong-ket-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-nam-2020-huong-den-2021/