PGS.TS Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật ĐHQG-HCM cho biết như vậy tại Lễ phát động cuộc thi Sinh viên và quyền sở hữu trí tuệ S&IP 2021 do IPTC ĐHQG-HCM phối hợp Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN tổ chức từ tháng 3 – tháng 9/2021. Buổi lễ được thực hiện trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập IPTC vào sáng 23/4.

Trao đổi với sinh viên về các quyền lợi khi tham gia cuộc thi, ông Nam chia sẻ, ngoài học hỏi kinh nghiệm kinh doanh và rèn luyện tư duy khởi nghiệp, sinh viên sẽ nhận được giấy chứng nhận tham gia cuộc thi và được thay thế cho bài tiểu luận kết thúc môn học và nhận được khen thưởng của nhà trường đối với sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật. Đối với sinh viên thuộc các trường thành viên khác của ĐHQG-HCM sẽ có những chính sách và mức độ khuyến khích khác nhau.

TS Võ Thanh Hằng – Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cũng cho biết, sinh viên của trường nếu có dự án đoạt giải tại cuộc thi này sẽ được miễn tiểu luận kết thúc môn học và được nhà trường khen thưởng.

Trả lời câu hỏi của sinh viên về quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm khi tham gia cuộc thi, ThS Nguyễn Minh Huyền Trang – Giám đốc IPTC, cho biết ban tổ chức sẽ xác lập chủ sở hữu của các TSTT phát sinh từ dự án là chính nhóm sinh viên đăng ký. Tuy nhiên, để đảm bảo không có sự tranh chấp sau này, trước khi thực hiện thủ tục xác lập quyền SHTT cho bất cứ dự án nào của cuộc thi, ban tổ chức S&IP sẽ gửi thông báo đến các trường có sinh viên dự thi và theo như năm đầu tiên tổ chức, các trường đều đồng ý phương án sinh viên là chủ sở hữu của các tài sản trí tuệ này.

Đồng thời, ĐHQG-HCM thông qua IPTC sẽ hỗ trợ việc đăng ký gồm thủ tục và kinh phí đăng ký, không đứng tên chủ sở hữu đối với các TSTT của dự án.

Cơ cấu giải thưởng cuộc thi  Sinh viên với quyền SHTT S&IP gồm 1 giải Nhất (35 triệu đồng), 1 giải Nhì (10 triệu đồng), 1 giải Ba (8 triệu đồng), 2 giải Khuyến Khích (5 triệu đồng/giải) và 4 giải Tiềm năng (4 triệu đồng/giải). Ngoài ra, 10 Giải dự án được yêu thích nhất (bình chọn trực tuyến) mỗi giải trị giá 500.000đ; 1 Giải dự án tiềm năng phát triển quốc tế (Nhật Bản) tổng trị giá 20 triệu đồng.

Các dự án đoạt giải sau cuộc thi còn được nhận các gói hỗ trợ như Gói hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của IPTC trị giá 20 triệu đồng/dự án; Gói hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp của Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo ĐHQG-HCM trị giá 100 triệu đồng/dự án/năm; Gói hỗ trợ Amazon Web Services (AWS) trị giá 2.000USD/dự án/năm; và Gói tư vấn khởi nghiệp tại thị trường Nhật Bản.

Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, IPTC đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Công nghệ 4TE và Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ Cao TP.HCM.

Theo đó, IPTC và Công ty 4TE sẽ phối hợp thực hiện các hoạt động nổi bật như nghiên cứu khoa học và công nghệ về sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số trên nền tảng công nghệ IoT, Blockchain, AI; truy xuất nguồn gốc toàn diện nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu và hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu; xây dựng hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm và cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó ưu tiên cho sản phẩm nông sản Việt Nam…

Đối với Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ Cao TP.HCM, hai đơn vị sẽ phối hợp thực hiện tư vấn, hỗ trợ các hoạt động sở hữu trí tuệ, kết nối cung cầu chuyển giao công nghệ; tổ chức các chương trình đào tạo về kỹ năng quản trị tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ; tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu, xúc tiến chuyển giao công nghệ…

ThS Nguyễn Minh Huyền Trang – Giám đốc IPTC ĐHQG-HCM trao đổi ký kết với ông Phạm Văn Quân – CEO Công ty Cổ phần Công nghệ 4TE. Ảnh: LÝ NGUYÊN


ThS Nguyễn Minh Huyền Trang ký thực hiện nghi thức kết hợp tác với ông Trịnh Xuân Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ Cao TP.HCM. Ảnh: LÝ NGUYÊN

PHAN YÊN




Chia sẻ