IPTC tham gia Hội thảo “Thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ – thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Trung tâm Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức ngày 24/7/2024
Ngày 24/7/2024 tại Khách sạn Viễn Đông, số 275A Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM. Trung tâm hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức hội thảo về “Thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ – Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Hội thảo góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật sở hữu trí tuệ; xác lập quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội thảo có sự tham dự của các vị đại biểu khách quý và chuyên gia: ông Huỳnh Minh Vũ (Phó Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế Tp.Hồ Chí Minh); ông Trần Giang Khuê (Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ KH&CN); ông Võ Hưng Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM) và một số chuyên gia, báo cáo viên khác. IPTC cũng rất vinh dự được mời tham dự hoạt động quan trọng và góp phần kết nối các chuyên gia SHTT, PGS.TS Từ Diệp Công Thành (Giám đốc IPTC, Đại học Quốc gia TP.HCM) tham dự và có trình bày chia sẻ tại hội thảo.
Các đại biểu và chuyên gia tham dự Hội thảo về thực thi Pháp luật SHTT
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hội nhập Quốc tế nhấn mạnh: sở hữu trí tuệ (SHTT) là một tài sản vô vùng quý giá để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của đất nước và phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật về SHTT tương đồng phù hợp với cam kết quốc tế như sửa đổi, bổ sung luật SHTT và ban hành các văn bản để thực thi.
Tuy nhiên, quá trình thực thi quyền SHTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức. Chính vì vậy, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi SHTT, xác lập quyền SHTT để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp để nâng cao thực thi pháp luật SHTT trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trung tâm Hội nhập Quốc tế TP.HCM tổ chức hội thảo “Thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế” để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng và tạo diễn đàn trao đổi về đổi mới sáng tạo và quyền SHTT để doanh nghiệp có thêm các giải pháp giúp doanh nghiệp và địa phương mình phát triển hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt ngay trên chính thị trường Việt Nam.
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Hội nhập Quốc tế TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo. Mở đầu hội thảo, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục SHTT có những chia sẻ sâu sắc về vai trò của quyền SHTT trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Ông khẳng định quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. SHTT trong đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế-xã hội là đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân loại; góp phần tạo nên sức mạnh của nền kinh tế quốc gia; giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân định hướng nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, tránh trùng lặp, khai thác tri thức sẵn có; đồng thời SHTT cũng giúp khuyến khích phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm/dịch vụ; đây cũng là công cụ pháp lý – độc quyền, tránh rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh thương mại trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, SHTT còn là và tài sản có giá trị có thể đem ra mua bán, trao đổi, góp vốn, thế chấp, chuyển giao, nhượng quyền …, và là công cụ hữu hiệu để quảng bá, truyền thông, xây dựng phát triển thương hiệu, nâng cao uy tín, danh tiếng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ có trình bày tham luận tại hội thảo.
Hội thảo cũng được nghe tham luận của ông Võ Hưng Sơn Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về Một số điểm mới nổi bật vê đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế theo Luật SHTT sửa đổi năm 2022, Nghị định 65/2023/NĐ-CP. Ông Sơn cho rằng cần bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập. Ông cũng cung cấp cho các đại biểu thông tin các nội dung sửa đổi cơ bản của Luật SHTT năm 2022 như: sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền, các ngoại lệ về quyền tác giả, quyền liên quan; sửa đổi bổ sung một số nội dung liên quan đến nhãn hiệu âm thanh, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu, nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin phép cấp nông hóa phẩm, nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng hóa giả mạo SHTT, …
Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến tham luận và chia sẻ của các đại biểu đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học và các nhà sáng chế. Hội thảo kết thúc với sự đánh giá cao đối với các thông tin được các chuyên gia chia sẻ và kỳ vọng sẽ có những hoạt động chuyên sâu và thường xuyên dành cho đại diện các cán bộ công chức, viên chức Sở ban ngành; các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội ngành hàng; cán bộ Viện nghiên cứu/Trường đại học trong lĩnh vực liên quan; các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
PGS.TS Từ Diệp Công Thành (Giám đốc IPTC, Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ tại hội thảo.
Nguồn: trích từ Ngọc Hân, BDCVN (https://khoahocphothong.vn/)