Thông tin hoạt động về vi mạch bán dẫn tại Tp.HCM: Hội thảo xúc tiến ngành VMBD (khuôn khổ của Diễn đàn kinh tế Tp.HCM năm 2024), Chương trình trình công nghệ VMBD tại SHTP , ĐHQG-HCM đào tạo 1000 kỹ sư vi mạch,…
Hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn
Ngày 23/9/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA) tổ chức Hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn. Chương trình thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 với mục tiêu thảo luận để xây dựng các chính sách ưu tiên phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM phát biểu tại Hội nghị xúc tiến ngành vi mạch bán dẫn.
Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh, là thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ và có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Thực tế, ngành vi mạch bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao tập trung sản xuất và phát triển các loại vi mạch và thiết bị bán dẫn. Ngành vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển các sản phẩm kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động, thiết bị IoT và nhiều ứng dụng khác…
Đồng thời, ngành vi mạch còn là cơ sở kỹ thuật cho các lĩnh vực khác như truyền thông, y tế và năng lượng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử trong các nước phát triển. Trên thế giới, ngành vi mạch bán dẫn đang bùng nổ, đặc biệt tại các quốc gia tiên tiến về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản và Singapore.
Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030
Theo thông tin từ Thanhuytphcm.vn – UBND TPHCM vừa có Quyết định Phê duyệt “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030”.
Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030 (gọi tắt là Chương trình) có mục tiêu tổng quát là phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn TP với hạt nhân là Khu Công nghệ cao có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030 Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.
Một số thiết bị cho công nghệ bán dẫn trong phòng sạch của Trung tâm NCTK Khu CNC Tp.HCM (SHTP labs)
Chương trình tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, thí điểm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao. Nhóm nhiệm vụ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Nhóm nhiệm vụ về nghiên cứu phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn và vi cơ điện tử MEMS. Nhóm nhiệm vụ về ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng khoa học và công nghệ, mô hình tổ chức hoạt động của các đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao. Nhóm nhiệm vụ về phát triển không gian, liên kết vùng. Nhóm nhiệm vụ về thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Nhóm nhiệm vụ về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai Chương trình.
Chương trình có 9 dự án, đề án, kế hoạch. Đó là các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về thí điểm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn; Kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn giai đoạn 2025-2030; Các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển về công nghệ vi mạch bán dẫn và vi cơ điện tử MEMS giai đoạn 2025-2030. Cùng với đó là Kế hoạch ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch TPHCM giai đoạn 2025-2030; Dự án nâng cấp Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao thành Trung tâm đào tạo đạt chuẩn quốc tế; Đề án nâng cấp Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao thành Trung tâm đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó còn có: Dự án nâng cấp Phòng thí nghiệm Công nghệ bán dẫn (thuộc Trung tâm nghiên cứu triển khai) thành Trung tâm Vi mạch bán dẫn, Cảm biến – MEMS vận hành theo mô hình Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (CoE); Chương trình xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn vào Khu Công nghệ cao; Kế hoạch tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết vùng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP HCM
Trước đó vào tháng 8 năm 2023, Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP HCM được thành lập để đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch, mục tiêu trở thành trung tâm vi mạch hàng đầu của cả nước.
Lãnh đạo Trung ương và Tp.HCM tham dự lễ khánh thành Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn TP HCM năm 2023.
Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn (ESC) do Khu công nghệ cao TP HCM phối hợp với Tập đoàn Sun Electronics và Synopsis thành lập trên cơ sở hợp nhất trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC) thành lập tháng 8/2022 và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC) hoạt động hồi tháng 3. Theo Khu công nghệ cao TP HCM, việc hợp nhất hai tổ chức này nhằm mở rộng hợp tác thành một đơn vị đào tạo vi mạch có quy mô đủ lớn có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai. Ngoài ra ESC sẽ là đơn vị tổ chức chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước. Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vi mạch trong đó có 38 doanh nghiệp FDI và hai doanh nghiệp lớn trong nước là FPT và VNPT.
Đại học Quốc gia TP HCM sẽ đào tạo 1.000 kỹ sư vi mạch
Đại học Quốc gia TP HCM xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm, góp phần tăng nhân sự ngành này cả nước. Thông tin được PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó ban Đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM nói tại tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia góp ý về chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến về thiết kế vi mạch giai đoạn 5 năm tới, sáng 12/7. Chương trình được thiết kế ở bậc đại học và sau đại học, thí điểm đào tạo tại các trường thành viên.
Khung chương trình sẽ có các khóa đào tạo chuyên sâu và cấp tốc về thiết kế vi mạch và hợp tác với doanh nghiệp. Kỹ sư tốt nghiệp có thể được cấp chứng chỉ quốc tế để đi làm hoặc có thể học tiếp lên bậc sau đại học.
TS Huỳnh Phú Minh Cường, Phó khoa Điện – điện tử, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) nhận định, ngành vi mạch trong nước cần khoảng 1.000 kỹ sư mỗi năm trong giai đoạn tới. Tuy nhiên trong nước hiện không có nhiều nhân lực chuyên làm công đoạn sản xuất, thiết kế vi mạch cũng như chưa có nhiều sản phẩm mẫu, sản phẩm thương mại hóa về vi mạch. Ông cho rằng, vẫn còn khoảng trống trong đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu doanh nghiệp.
TS Cường mong muốn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ bản quyền thiết kế, thiết bị phục vụ nghiên cứu vi mạch. Các tổ chức này cũng đóng vai trò định hướng các nhóm nghiên cứu, khởi nghiệp. “Đại học Quốc gia TP HCM cần xây dựng phòng lab nghiên cứu thiết kế vi mạch cung cấp cho các nghiên cứu của trường thành viên”, ông đề xuất.
Đồng tình, GS Lee Hyuk Jae, Trưởng khoa điện và kỹ thuật máy tính, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, các doanh nghiệp vi mạch hiện cạnh tranh nhau về số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao và đây được coi là yếu tố đầu vào quan trọng trong chuỗi sản xuất vi mạch.
Dẫn chứng ở Hàn Quốc, GS Lee chia sẻ, để tăng nguồn nhân lực, Đại học Quốc gia Seoul khuyến khích sinh viên ngoài chuyên ngành vi mạch học thêm để trở thành kỹ sư. Sinh viên năm 2 – 3 có thể theo học chương trình song bằng để trở thành nhân lực lĩnh vực vi mạch.
GS Lee cũng gợi ý các hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp sẽ đến trường chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động sản xuất cũng như cung cấp các dịch vụ liên quan. Sinh viên có quá trình thực tập trong khâu thiết kế, sản xuât chip của doanh nghiệp. “Chúng tôi có liên minh 7 trường đại học thành lập chương trình đào tạo về bán dẫn để chia sẻ nguồn lực, tài liệu học tập”, ông Lee nói.
Trường đại học Bách Khoa phát triển 02 ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học về vi mạch
Đón đầu xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới và định vị mình là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xuất sắc có vai trò tiên phong dẫn dắt lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong nước, trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM đã triển khai chương trình đào tạo liên quan đến vi mạch từ hơn 20 năm nay. Các môn học thiết kế vi mạch đã được tích hợp trong 03 ngành trình độ Đại học gồm Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông; Kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp); Hệ thống mạch – Phần cứng (Chương trình tiên tiến) và 01 ngành trình độ Sau Đại học là Kỹ thuật Điện tử – Kỹ thuật Viễn thông. Tất cả đều thuộc khoa Điện – Điện tử. 02 chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào vận hành ngay trong năm học 2023-2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024-2025.
Theo PGS.TS. Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa – nhìn nhận, trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói – kiểm tra và chế tạo thiết bị, Việt Nam hiện nay có lợi thế để tham gia sâu vào khâu thiết kế – vốn chiếm 53% giá trị gia tăng của một sản phẩm vi mạch. Hiện nay, có khá nhiều công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, tạo ra cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao. PGS.TS. Mai Thanh Phong cũng cho biết muốn phát triển công nghệ vi mạch bằng chính nội lực trong nước thì bài toán đầu tiên phải là đào tạo nhân lực và có chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia.
Trước thực trạng này, hai chương trình đào tạo vi mạch của Trường Đại học Bách khoa sẽ góp phần tăng cường lực lượng kỹ sư cho ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Chương trình đại học “Thiết kế vi mạch” (với 132 tín chỉ) chú trọng về thiết kế vi mạch để giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại hầu hết các công ty thiết kế vi mạch trong nước và khu vực. Trong khi đó, chương trình thạc sĩ “Vi mạch bán dẫn” (60 tín chỉ) tiếp tục cung cấp các kiến thức và kỹ năng nâng cao về thiết kế và chế tạo vi mạch (số, hỗn hợp, tương tự và cao tần) nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đúng tầm cho nền công nghiệp vi mạch bán dẫn.
TS. Huỳnh Phú Minh Cường – Phó trưởng khoa Điện – Điện tử và nghiên cứu sinh thực hiện các nghiên cứu tại PTN Vi mạch và Hệ thống cao tần (RFICs Lab).
IPTC tổng hợp từ các nguồn: https://vneconomy.vn/; S.Hải (Thanhuytphcm.vn), Hà Ân (vnexpress.net) và trường ĐHBK (https://hcmut.edu.vn/)