• Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 – GII) năm 2024. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.
  • Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp).
  • Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).

 1.Tình hình triển khai TSTT và chiến lược SHTT của Việt nam hiện nay

Năm 2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về việc phê duyệt chiến lược sở hữu trí tuệ[1] đến năm 2030, với quyết định này đến năm 2030 Việt Nam cần đạt được 04 mục tiêu:

(1) Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ;

  • (2) Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội;
  • (3) Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu;
  • (4) Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.
  • Với chiến lược này nhà nước đang rất quan tâm chú trọng đến hoạt động đăng ký bảo hộ, và khai tác tài sản trí tuệ gia tăng về số lượng và chất lượng các sáng chế thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Nhà nước quan tâm chú ý đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học để phát triển nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn, sức khỏe người tiêu dùng, đem lại giá trị cao trong xuất khẩu, hương đến các thị trường khó tính. Nhà nước rất quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ tổ chức, cá nhân trong nước, khai thác trình độ sáng tạo, trí tuệ của xã hội phục vụ mục đích phát triển trung của đất nước.
  • Việc khai thác tài sản trí tuệ được nhà nước quan tâm đặt mục tiêu, đây chính là chìa khóa, là tiền đề cho phát triển kinh tế, đổi mới, nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật phát triển kinh tế, đổi mới đất nước theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, phát triển kinh tế bền vững.

Năm 2020  Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định số 508/QĐ-BKHCN ngày 03/03/2020 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện “Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030[2]” với việc ban hành kế hoạch này hàng loạt các nhiệm vụ về sở hữu trí tuệ được triển khai, trong đó các nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật thúc đẩy hoạt động tạo lập, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những nhiệm vụ trọng tâm, thiết yếu.

Theo báo cáo của IPVIETNAM, số lượng đơn đăng ký SHTT trong cả nước trong 10 năm qua, giai đoạn 2013-2023, tăng đều theo từng năm và đạt hơn 8700 đơn đăng ký sáng chế trong năm 2023 và được thể hiện trên hình 5. Trong hơn 8700 đơn đăng ký, số lượng đăng ký sáng chế của nước ngoài là hơn 7800 đơn, và của Việt Nam 895 đơn, tương đương khoảng 10.3%. Điều đáng lưu ý rằng, số lượng đơn đăng ký sáng chế của nước ngoài vào Việt Nam tăng liên tục theo từng năm, vào ước đạt hơn 100% giai đoạn 5 năm (2019-2023) so với giai đoạn 5 năm trước đó (giai đoạn 2013-2018).

Hình 1. Số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam 2013-2023

Thống kê số lượng đơn đăng ký theo chủ thể giai đoạn 2013-2023 cho thấy số lượng đơn đăng ký sáng chế đến từ khối đại học vào khoảng 50 đơn/năm giai đoạn 2013-2018, và từ năm 2018-2023 số lượng đơn đăng ký tăng lên gần 200 đơn/năm, đạt khoảng 20.1% tổng đơn của Việt Nam năm 2023. Số lượng đơn đăng ký sáng chế đến từ khối viện nghiên cứu tăng lên và ước đạt 110 đơn/năm trong 5 năm gần đây.

Có thể thấy rằng, số đơn đăng ký sáng chế đến từ đại học và các viện nghiên cứu vào khoảng 300 đơn/năm, đạt tỉ lệ vào khoảng 30% tổng đơn từ Việt Nam và ước đạt 3% trên tổng đơn đăng ký sáng chế được nộp vào Việt Nam. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam là khá hạn chế, và kết quả thẩm định và cấp bằng còn chỉ ra một thực trạng rằng tỉ lệ được cấp bằng sáng chế rất thấp và được trình bày trên hình 6. Cụ thể, số bằng được cấp trong 5 năm gần đây vào khoảng 150 bằng/ năm (riêng 2023 tăng lên 300 bằng), đạt tỉ lệ 15% trên số đơn của Việt Nam và chỉ đạt tỉ lệ 1.75% trên tổng đơn. Trong khi đó, số đơn được bằng đối với đơn đăng ký sáng chế của nước ngoài là 3700 (năm 2022) bằng, và tỉ lệ cấp bằng đối với đơn đăng ký sáng chế của nước ngoài ước đạt 47.3% trên số đơn đăng ký, và đạt 47.5% trên tổng đơn.

Hình 2. Số lượng đơn đăng ký sáng chế theo chủ thể tại Việt Nam 2013-2023.

2.Các sáng chế là chìa khóa cho sự cạnh tranh và phát triển ngành bán dẫn:

Ngành công nghiệp bán dẩn là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, với giá trị thị trường hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và có xu hướng ngày càng tăng. Chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu hiện nay rất phức tạp vì nó bao gồm nhiều bước từ quá trình sản xuất nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm và phân phối, được phân theo 03 khâu chính: thiết kế, chế tạo và đóng gói.

Qua thống kê cho thấy, các nền kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước EU đóng vai trò quan trọng trong hàng đầu chuỗi cung ứng này và trở thành các trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn. Mặc khác thấy, không có quốc gia nào đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất bán dẫn khép kín vì mức đầu tư cao và các  vấn đề liên quan, hiệu quả kinh tế. Chuỗi giá trị này được đặc trưng bởi sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, sự phân công lao động cao và sự hợp tác chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Các sáng chế (patent) đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo, bảo vệ quyền lợi, và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Theo thống kê trong 2021-2022, thế giới có gần 70.000 bằng sáng chế toàn cầu về chất bán dẫn, tăng 59% so với 43.380 của năm 2017-2018 và nhiều hơn 9% so với 62.770 năm 2020- 20212. Hoạt động R&D trong ngành bán dẫn đã củng cố sự phát triển của công nghệ và sự cạnh tranh gay gắt đã thúc đẩy tốc độ đổi mới trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong năm 2021-2022, 55% đơn đăng ký sáng chế bán dẫn (37.865) có nguồn gốc từ Trung Quốc nơi đã tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Công ty TSMC của Đài Loan có số lượng đơn đăng ký sáng chế lớn nhất năm
2021-2022. Với 4.793 đơn đăng ký sáng chế bán dẫn, chiếm 7% tổng số bằng sáng chế trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ đã có gần 19.000 đơn đăng ký sáng chế bán dẫn được nộp trong năm năm 2021-2022 (chiến 26% so với tổng số). Trong đó, các đại gia bằng sáng chế là California-based Applied Materials Inc, SanDisk và IBM.

Ngành công nghiệp bán dẫn đóng một vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có tác động lớn đối với nhiều ngành công nghiệp khác. Dưới đây là một số lĩnh vực chính mà ngành bán dẫn ảnh hưởng mạnh:

Hình 3. Số lượng đăng ký sáng chế bán dẫn toàn cầu qua các năm (Nguồn: Mathys & Squire, 1/2023)

– Công nghiệp điện tử tiêu dùng: Bán dẫn là thành phần chính của các sản phẩm điện tử tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh số, máy giặt, lò vi sóng, tủ lạnh và các thiết bị gia dụng thông minh.

– Công nghiệp ô tô: Xe hơi hiện đại sử dụng nhiều linh kiện và hệ thống điều khiển dựa trên bán dẫn, từ hệ thống đèn đến hệ thống giải trí và điều khiển động cơ.
– Công nghiệp y tế: Thiết bị y tế ngày nay, chẳng hạn như máy hình ảnh y khoa, thiết bị theo dõi sức khỏe và các công cụ chẩn đoán, thường sử dụng bán dẫn để đạt được hiệu suất cao và tính năng chính xác.

– Công nghiệp năng lượng: Ngành công nghiệp năng lượng sử dụng bán dẫn trong các ứng dụng như điện mặt trời và điều khiển hệ thống năng lượng.
– Công nghiệp viễn thông: Ngành viễn thông cần lượng lớn chip bán dẫn. Thiết bị viễn thông như mạch tích hợp, anten, và các thiết bị truyền thông sử dụng rộng rãi bán dẫn để cung cấp khả năng kết nối và truyền thông.

– Công nghiệp công nghệ thông tin: Máy chủ, trung tâm dữ liệu, và các thiết bị lưu trữ đều sử dụng bán dẫn để cung cấp hiệu suất và khả năng xử lý dữ liệu.
– Công nghiệp quốc phòng và an ninh: Các hệ thống quốc phòng và an ninh, chẳng hạn như radar, thiết bị theo dõi, và các hệ thống giao tiếp, thường sử dụng các linh kiện bán dẫn.Mỹ là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn, với doanh thu 264,6 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2023. Năm 2023, chip trở thành danh mục xuất khẩu lớn thứ sáu của Mỹ, sau dầu tinh chế, dầu thô, máy bay, khí đốt tự nhiên và ô tô, với kim ngạch xuất khẩu đạt 52,7 tỷ USD.

Hình 4. Thống kê doanh thu bán dẫn theo khu vực năm 2023,2024 và dự kiến 2025 (Semiconductor Revenue by Region: 2023 to 2025 by WSTS). Doanh thu toàn cầu đạt 600 tỷ USD (năm 2024) và dự kiến tiện cận 700 tỷ USD (cho năm 2025). Trong đó, Khu vực Châu Á luôn chiếm trên 55% toàn thế giới.

3.Các sản phẩm và thị trường

Báo cáo thường niên về triển vọng ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu năm 2024 của công ty kiểm toán KPMG (Hà Lan) đã khảo sát 172 giám đốc điều hành (CEO) của các công ty bán dẫn trên toàn cầu, trong đó có hơn một nửa số người được hỏi đến từ các công ty bán dẫn có doanh thu hằng năm trên 1 tỷ USD. Báo cáo năm nay cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của ngành này được các CEO đánh giá khởi sắc so với năm 2023; ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ngang bằng với năm 2023; lực lượng lao động tăng trưởng chậm lại; sản phẩm chip bán dẫn tăng trưởng; nhân tài luôn là vấn đề của ngành công nghiệp bán dẫn,…

Hiện nay, bộ vi xử lý chiếm lĩnh vị trí sản phẩm tăng trưởng hàng đầu do yêu cầu xử lý của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghiệp ô tô và thiết bị hiệu suất cao đang tăng lên đáng kể. Hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (advanced driver-assistance systems – ADAS) là phân khúc lớn nhất của thị trường bán dẫn cho xe ô tô, có thể đạt mức tăng trưởng kép hằng năm gần 20% vào năm 2027. Tương tự như vậy, công bố gần đây của các công ty bán dẫn cho thấy, mức tăng trưởng hằng năm trên thị trường cuối ngành công nghiệp ô tô sẽ đạt thấp hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu dài hạn về các đơn vị bán dẫn dùng cho ngành này sẽ tiếp tục tăng. Bộ vi xử lý đã nhảy lên vị trí đầu tiên với tư cách là sản phẩm có cơ hội tăng trưởng cao nhất trong năm 2024. Năm 2023, bộ vi xử lý chỉ đứng thứ ba sau cảm biến/hệ thống vi cơ điện tử (micro-electro-mechanical systems – MEMS) và tín hiệu analog/linh kiện tần số vô tuyến (radio frequency – RF)/hỗn hợp.

Theo bảng thì  doanh thu mùa xuân năm 2024 của mạch tích hợp chiếm trên 81% (với hơn 428 tỷ USD so với khoảng 526 tỷ USD) cho thấy nhu cầu chip rất cao cho các tập đoàn điện tử công nghiệp. bên cạnh đó.  Khu vực Châu Á Thái Bình Dương  và Nhật bản có doanh thu chiếm đa phần (trên 62% doanh thu cả thế giới) tại thời điểm mùa đông 2024.

4. Chương trình phát triển nguồn nhân lực về bán dẫn đến 2030

Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, được Chính phủ thông qua ngày 21/9 thì trong giai đoạn sắp tới, 18 trường đại học sẽ được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn nhằm đảm bảo năng lực đào tạo ngành này. Ngân sách sẽ đầu tư trang thiết bị, phần mềm bản quyền để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm bán dẫn tại 18 trường công lập. Danh sách trường có thể được điều chỉnh, tùy điều kiện thực tế và hồ sơ đề xuất. 1.300 giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp… sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu là đến năm 2050, các trường đại học đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành công nghiệp này. Ngoài ra, Chính phủ còn đầu tư 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung, đặt tại hai đại học quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và TP Đà Nẵng.

Xác định 6 nhóm nhiệm vụ khác được đặt ra để đạt mục tiêu này, gồm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù; tổ chức đào tạo; huy động, đa dạng hóa nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy các nhóm nghiên cứu và phát triển; truyền thông. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo Bộ Thông tin và truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.Công ty nghiên cứu Technavio dự đoán thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.

*Thiết kế chip: Giai đoạn phát triển thiết kế chip ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2005-2006, cũng là thời kỳ thế giới bùng nổ về Internet, các kỹ sư Việt Nam đã tận dụng được nguồn tài nguyên kiến thức phong phú và có điều kiện rất thuận lợi cho việc học hỏi, chia sẻ kiến thức chuyên ngành. Trải qua một thời gian dài, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực trong công việc; từ đó, chiếm được lòng tin của các cấp quản lý ở nước ngoài. Hiện nay, các kỹ sư Việt Nam được giao những công việc đòi hỏi chuyên môn cao và nhiều thách thức trong các dự án thiết kế chip.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều các dự án quan trọng của tổ chức có sự tham gia của các kỹ sư làm việc tại các văn phòng Việt Nam, và ngày càng có thêm những công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam, có thể kể đến như như RVC, Marvell, Ampere, Synopsys… Đặc biệt những năm gần đây, số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nằm trong top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu, gia tăng đáng kể. Hơn 10 năm trước, điều này là hiếm hoi vì hồ sơ xin việc của kỹ sư chỉ làm việc ở Việt Nam thường không được đánh giá cao.

Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu đội ngũ kỹ sư khá lành nghề với tuổi nghề trung bình đang ở độ tuổi vàng, với số năm kinh nghiệm trung bình khoảng 5 năm. Đây được coi là lợi thế rất lớn của Việt Nam vì độ tuổi này là độ tuổi có nhiều sáng tạo và đóng góp được nhiều nhất cho ngành vi mạch. Trong bối cảnh áp lực của sự thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu gia tăng trong khi trình độ kỹ sư Việt Nam ngày được cải tiến, các kỹ sư của Việt Nam đang được các công ty ở Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, … săn đón cho các vị trí công việc dài hạn. Điều này vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phát triển về số lượng nguồn nhân lực thiết kế chip. So với các nước phát triển, đào tạo chính quy lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Ở một số trường đại học kỹ thuật đầu ngành, các thầy cô giáo mới chỉ dừng lại ở mức chủ động đưa các kiến thức cơ sở của lĩnh vực vi mạch vào các môn học như kỹ thuật mạch điện tử, thiết kế mạch số, thiết kế mạch tương tự, thiết kế VLSI … chứ chưa xuất nhiện ngành đào tạo riêng về kỹ thuật thiết kế vi mạch. Tại một số trường Đại học đã có phòng thí nghiệm và giáo viên chuyên trách để nghiên cứu đào tạo chuyên sâu, nhưng điều kiện để các bạn sinh viên có có hội tham gia các dự án gần với thực tế khi học trong các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.

Hình 4. Ước tính số lượng kỹ sư thiết kế chip Việt Nam giai đoạn 2000 – 2021. (Nguồn: Cộng đồng vi mạch Việt Nam)

 *Các trường, viện đào tạo và nghiên cứu  về vi mạch bán dẫn hiện nay

– Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao (SHTP labs) là đơn vị sự nghiệp công lập nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cao trực thuộc BQL Khu Công nghệ cao (QĐ số 52/2004/QĐ-UB ngày 08/03/2004 và QĐ số 3591/2009/QĐ-UBND ngày 28/07/2009 của UBND Tp.HCM) SHTP labs được Nhà nước đầu tư trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu để thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, công nghệ mới.

Phòng thí nghiệm (PTN) công nghệ bán dẫn được xây dựng với trung tâm là phòng sạch có diện tích đạt 600m trong đó gồm 60­m2 là class 100 và 540m2 là class 10.000. Thiết bị trong phòng sạch đã đáp ứng được đầy đủ các quy trình chế tạo bất kỳ một loại linh kiện vi mạch bán dẫn hay một loại cảm biến MEMS nào với bề rộng mỗi đường khắc nhỏ nhất đạt 1micron (1000nm).

PTN công nghệ bán dẫn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị và được chia làm 4 nhóm thiết bị, đảm bảo cho việc chế tạo một linh kiện Vi mạch bán dẫn/ Cảm biến MEMS từ đầu đến cuối.

Hình 5. Một số nhà khoa về lĩnh vực bán dẫn, vật lý của Tp.HCM và Hà Nội khảo sát, trao đổi cho hợp tác R&D tại SHTPLabs (tháng 1 năm 2025).

Thời gian qua, SHTP labs đã thực hiện các nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm các  diode schottky, biosensor, MEMS và cảm biến áp suất, cảm biế pH,… cho các ứng dụng. Các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên lĩnh vực công nghệ bán dẫn đã có dịp tham quan, thực hành và hợp tác nghiên cứu các đề tài, dự án liên quan với mức độ thử nghiệm cho LVTN và công bố khoa học.

– Trung tâm Đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM đã thiết kế thành công chip 8 bít SG8V1 vào năm 2013 khởi đầu cho làm chủ công nghệ thiết kế, đặt hàng chế và thử nghiệm ứng dụng mà UBND Tp.HCM khởi động từ 2012 cho “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2013-2020”. Chip SG8V1 đã hướng đến mục tiêu rất quan trọng là thiết kế và chế tạo được chip cho ứng dụng các hoạt động sản xuất, kinh doanh mặc dù thế giới đang chế tạo chíp dến 64 bit. Tuy nhiên, chặng đường khởi đầu không đơn giản vì các kỹ sư ICDREC tiến hành trên nền tảng gần như là con số 0, vì Việt Nam (VN) chưa có ngành công nghiệp bán dẫn. Với 150.000 chíp chế tạo tại TSMC cho hứa hẹn các ứng dụng lĩnh vực chip 8 bit vẫn có nhu cầu lớn với mức doanh thu hàng tỉ USD/năm. Tại VN, chip 8 bit ứng dụng rộng rãi trong các thiết bị như giám sát hành trình, điện kế điện tử, máy đo huyết áp, máy điều hòa nhiệt độ… nhưng phải nhập chip PIC. Trong khi đó, chip SG8V1 hoàn toàn đảm nhiệm được trái tim của các thiết bị trên bởi đạt độ ổn định cao cả tính năng lẫn hiệu năng. Lĩnh vực thiết kế chip cũng được phát triển tại các khoa ĐT-VT, VL-VLKT (Trường Đại học KHTN), Khoa Điện-Điện tử (Trường ĐHBK) và khoa KTMT (trường ĐHCNTT). Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ nano cũng được ĐHQG-HCM đầu tư tại PTN Công nghệ nano (này là Viện Công nghệ Nano) và các khoa khoa học và Công nghệ vật liệu, Khoa vật lý-VLKT (Trường ĐHKHTN) với nhiều kết quả ban đầu trong nghiên cứu và đào tạo.

ĐHQG-HCM hướng đến hoàn thiện khung chương trình đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch; xúc tiến hợp tác giữa ĐHQG-HCM với các trường đại học, tổ chức quốc tế, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu vi mạch.  ĐHQG-HCM thể hiện vai trò chủ động trong việc tham gia thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.

Trường Đại học Bách Khoa, trong giai đoạn sắp tới, ước đoán ngành vi mạch trong nước cần 1.000 kỹ sư mỗi năm từ chương trình của Khoa Điện – Điện tử. Hiện tại, Việt Nam không có nhiều nhân lực chuyên về sản xuất, thiết kế vi mạch, cũng như chưa có sản phẩm mẫu, sản phẩm thương mại hóa nên việc đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu lớn cho doanh nghiệp. Trường đại học Công nghệ thông tin chính thức tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch trong năm 2024 với 150 chỉ tiêu. Ngành Thiết kế vi mạch tại trường Đại học Công nghệ thông tin được cải tiến từ ngành Kỹ thuật máy tính cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ngành công nghệ bán dẫn của Trường ĐHKHTN cũng đã tuyển sinh với số lượng 50 sinh viên.

– Đại học Bách khoa Hà Nội đã có các ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano đã được đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo từ trước. Năm 2023, chuyên ngành Thiết kế vi mạch được mở nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn. Các chương trình này sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất-đóng gói-kiểm tra vi mạch.

– Tại Đại học Quốc gia Hà Nội thì Trường Đại học Công nghệ đã có ngành vật lý kỹ thuật và triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/chip bán dẫn. Hiện nay, Nhà trường đã triển các chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch với các chương trình đào tạo như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, Công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện tử…

– Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã mở chuyên ngành Vi mạch bán dẫn nằm trong ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, tập trung đào tạo về công nghệ bán dẫn, thiết kế hệ

– Trường Đại học CMC cũng đã và đang đầu tư mở ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử-Viễn thông, với Thiết kế vi mạch là định hướng đào tạo thống VLSI (VLSI design), đồ án thiết kế hệ thống số, thiết kế vi mạch số, thiết kế vi mạch tương tự, cơ sở công nghệ đóng gói và dải mạch…chính. Trường đại học này đã thành lập một phòng thí nghiệm Thiết kế vi mạch (IC Design lab) với trang thiết bị do hãng Synopsys cung cấp bản quyền nhằm phục vụ quá trình đào tạo.

Ngoài ra, một số các trường đại học khác tại  Tp.HCM cũng đầu tư cho thiết kế vi mạch và chế tạo các loại màn mỏng cho các cảm biến, linh kiện điện tử với các ứng dụng đa dạng.

5. IPTC phải tiếp cận với các doanh nghiệp vi mạch- bán dẫn- điện tử nhằm thúc đẩy hoạt động tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ

Kể từ khi thành lập năm 2011 đến nay, IPTC đã hỗ trợ hàng ngàn khách hàng thực hiện việc đăng ký và bảo hộ thành công các sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… trong và ngoài nước. Ngoài ra, với vai trò là đơn vị đại diện sở hữu công nghiệp, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ ĐHQG-HCM – IPTC là đối tác quan trọng, thành viên “Mạng lưới các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)” và là một “IP-Hub” tại khu vực Phía Nam của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (#IPVietnam).  IPTC cũng tích cực hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu triển khai “Quy trình quản trị TSTT” trong đơn vị. Đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với hoạt động SHTT thông qua rất nhiều chương trình đào tạo, hội thảo. Trong giai đoạn 2025-2030, IPTC phải đẩy mạnh việc tiếp cận với tình hình sản xuất, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển gia công nghệ thông qua Hội công nghệ vi mạch bán dẫn Tp.HCM (HSIA).

Hình 6. Các kỹ sư, doanh nhân, nhà khoa học đã tham dự Đại hội Hội Công nghệ vi mạch Bán dẫn Tp.HCM (HSIA) nhiệm kỳ III (2025-2030) với các chương trình hoạt động quan trọng và nhiều nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã tham gia BCH Hội.

Được biết trong gia đoạn 2025-2030,  HSIA sẽ có các nhiệm vụ đóng góp ý kiến, đề xuất định hướng phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và ngành công nghiệp điện tử cho thành phố; Phối hợp các trường, viện tư vấn cho doanh nghiệp, đơn vị về đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ; Phối hợp với các trường đại học khảo sát tình hình đầu tư, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử tại TPHCM để từ đó, đề xuất với UBND TPHCM các vấn đề liên quan đến ngành vi mạch bán dẫn; HSIA kết hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực nhằm góp phần vào chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn của Chính phủ; Và thúc đẩy doanh nghiệp và trường/viện hợp tác nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm cảm biến, MEMS, linh kiện điện tử ứng dụng “Made in Vietnam).  HSIA sẽ cùng một số trường/viện phối hợp đề xuất cơ chế phối hợp R&D với các doanh nghiệp. Do đó, IPTC phải tham gia vào hợp tác này với vai trò hỗ trợ phát hiện TSTT, giới thiệu sản phẩm nghiên cứu, đăng ký SHTT và từng bước thúc đẩy CGCN  để gắn nhà khoa học với các doanh nghiệp, đơn vị. Do đó, IPTC cần nắm cơ hội này để  có thể đóng góp một phần nhỏ vào Chương trình phát triển nguồn nhân lực về bán dẫn đến 2030 qua tiếp cận với các doanh nghiệp vi mạch- bán dẫn- điện tử cho tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2025-2030 này.

Nguồn: Tổng hợp từ IPTC và HSIA (tháng 2/2025)

Tham khảo:

[1]. Phương Minh- Quang Huy- Minh Hoàng (PLO): SG8V1 và nền móng cho chip “Make in Vietnam”

ĐHQG-HCM góp phần phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam:

[2]. https://vnuhcm.edu.vn/news_32343364/dhqg-hcm-gop-phan-phat-trien-cong-nghiep-vi-mach-viet-nam/353233313364.html.

[3]. Ngành chế tạo https://ictvietnam.vn/dinh-huong-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-viet-nam-54062.html.

[4]. Bá Tân (SGGPO, ngày 15/02/2025): PGS-TS Nguyễn Văn Hiếu làm Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM.




Chia sẻ