Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học – viện nghiên cứu
Các trường đại học và viện chức nghiên cứu muốn mở rộng hợp tác với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần có chính sách quản lý sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ hiệu quả.
Ảnh: Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia TP. HCM (nguồn: vnuhcm.edu.vn)
Mục lục
Vai trò của SHTT trong các trường ĐH và viện NC
Tài sản trí tuệ và nghiên cứu khoa học
Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các trường đại học – viện nghiên cứu sẽ hình thành một số sản phẩm nghiên cứu nhất định. Một vài trong số sản phẩm này có khả năng được cấp bằng sáng chế, nhưng nhiều trong số đó đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển hơn nữa trước khi được thương mại hóa. Bằng cách cấp cho các trường đại học và viện nghiên cứu quyền bảo hộ SHTT và cho phép họ được khai thác thương mại hóa, các chính phủ trên khắp thế giới đang cố gắng đẩy nhanh việc chuyển đổi các tài sản trí tuệ này thành các quy trình kỹ thuật sản xuất và sản phẩm công nghiệp, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các trường đại học – viện nghiên cứu với các doanh nghiệp
Tài sản trí tuệ và giảng dạy
Ngoài ra, các hoạt động giảng dạy của trường đại học – viện nghiên cứu cũng sẽ tạo ra TSTT, chẳng hạn như tài liệu giảng dạy, luận văn, phần mềm hoặc thiết kế bố trí. Internet và các công cụ hiện đại đã không chỉ thúc đẩy việc truy cập nhiều hơn vào các tài liệu học thuật, mà còn tạo ra sự xung đột lớn hơn về quyền sở hữu trí tuệ của các trường đại học – viện nghiên cứu. Vì vậy, các trường đại học – viện nghiên cứu cần có chính sách SHTT phù hợp để đối phó với khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tài liệu giảng dạy, tiếp cận thông tin học thuật và sử dụng tài liệu của các bên thứ ba.
Theo truyền thống, các trường đại học thường phục xã hội bằng cách cung cấp sinh viên tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ…. Với sứ mệnh đó, các trường đại học thường công bố các kết quả nghiên cứu của họ, làm cho chúng trở nên miễn phí. Ngày nay, điều này có thể được xem là không tương thích với những ngành công nghiệp đòi hỏi phải giữ bí mật thông tin và cần được bảo vệ bởi các quyền SHTT, chẳng hạn như các sáng chế. Xu thế toàn cầu hóa nhanh chóng đòi hỏi các trường đại học và viện nghiên cứu phải mở cửa cho sự hợp tác quốc tế. Lúc này, họ phải đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu phải được bảo vệ và quản lý hiệu quả, và chỉ được thực hiện bằng cách sử dụng hệ thống chính sách quản trị TSTT.
Tại sao các trường đại học và viện nghiên cứu cần một chính sách quản trị TSTT?
Nhận diện TSTT, xác lập quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu và đưa chúng đến giai đoạn phát triển tiếp theo đã trở thành mục tiêu của nhiều trường ĐH và Viện NC. Trong bối cảnh hiện nay, một chính sách quản trị TSTT là điều kiện tiên quyết để hợp tác thành công giữa các trường ĐH – Viện NC và các đối tác thương mại.
Chính sách quản trị TSTT của tổ chức là một quy định bắt buộc, trong đó:
– Làm rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng TSTT được hình thành từ các hoạt động tự thân của đơn vị hay do các hoạt động hợp tác R&D;
– Đưa ra các quy tắc về cách xác định chính xác, đánh giá, bảo vệ và quản lý TSTT để phát triển hơn nữa, thường thông qua một số hình thức thương mại hóa; và
– Cung cấp một khuôn khổ minh bạch để tiến hành hợp tác với các bên thứ ba và cung cấp các hướng dẫn về chia sẻ lợi ích kinh tế phát sinh từ việc thương mại hóa TSTT.
Không có quy định chính thức về quyền sở hữu và sử dụng TSTT, các bên liên quan khác nhau trong một trường đại học / viện NC ( như giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên cao học, v.v.) và các đối tác thương mại hóa (như nhà tài trợ, doanh nghiệp hoặc chính phủ) sẽ gặp lúng túng, gây khó khăn trong việc triển khai nghiên cứu, hợp tác KH&CN.
Mục tiêu chính của chính sách quản trị TSTT
Chính sách quản trị TSTT trong một trường đại học – viện nghiên cứu phải bao gồm tối thiểu các mục tiêu sau:
– Cung cấp sự chắc chắn về mặt pháp lý
– Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
– Khuyến khích các nhà nghiên cứu xem xét các cơ hội có thể để khai thác TSTT
– Cung cấp một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo
– Cân bằng các lợi ích xung đột khác nhau của các trường đại học, doanh nghiệp và xã hội.
– Đảm bảo tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành.
Quy chế quản trị TSTT trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Với vai trò là tổ chức đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, đa ngành có chất lượng cao, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh rất đa dạng và sôi nổi, đòi hỏi cần có một chính sách quản trị TSTT hoàn chỉnh áp dụng trong toàn hệ thống các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG-HCM.
Do đó, Giám đốc ĐHQG-HCM đã ký Quyết định số 84/QĐ-ĐHQG-KHCN ngày 26/2/2015 ban hành Quy chế quản trị TSTT trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó có những nội dung quan trọng đối với các đơn vị thành viên và trực thuộc như:
1. Các đơn vị phải xây dựng chiến lược phát triển TSTT phù hợp với chiến lược phát triển TSTT của ĐHQG-HCM
2. Xây dựng và ban hành các quy định quản trị TSTT và các văn bản liên quan nhằm cụ thể hóa Quy chế này
3. Thành lập và đưa vào hoạt động bộ phận chuyên trách quản trị TSTT.
….
Tổng hợp: Hữu Thống (Theo WIPO.INT)