Nói theo nghĩa rộng, một thông tin kinh doanh bí mật mà tạo cho một doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh đều có thể được coi là bí mật kinh doanh. Bí mật kinh doanh bao gồm các bí mật về công nghiệp hoặc sản xuất, thương mại. Việc sử dụng trái phép thông tin này bởi những người khác không phải là chủ sở hữu đều bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh. Tuỳ theo hệ thống pháp luật mỗi nước, việc bảo hộ bí mật kinh doanh là một phần của khái niệm chung “bảo hộ chống lại việc cạnh tranh không lành mạnh” hoặc được dựa trên những điều khoản đặc biệt hoặc luật án lệ về bảo hộ thông tin bí mật.

Đối tượng của bí mật kinh doanh thường được xác định trong phạm vi rộng và bao gồm các phương pháp bán hàng, các phương pháp phân phối, các hồ sơ khách hàng, các chiến lược quảng cáo, các danh sách các nhà cung cấp và khách hàng, các quy trình sản xuất.

BÍ MẬT KINH DOANH ĐƯỢC BẢO HỘ NHƯ THẾ NÀO?

Trái với sáng chế, bí mật kinh doanh được bảo hộ không cần phải đăng ký, có nghĩa là bí mật kinh doanh được bảo hộ mà không cần bất cứ hình thức mang tính thủ tục nào. Bởi vậy, một bí mật kinh doanh có thể được bảo hộ vô thời hạn. Tuy nhiên, có một số điều kiện để một thông tin được coi là bí mật kinh doanh:

1. Thông tin phải là bí mật (có nghĩa là không được biết đến một cách chung chung, hoặc sẵn có để có thể tiếp cận, với nhóm người thường xuyên xử lý loại thông tin được nói tới).

2. Phải có giá trị thương mại

3. Người nắm giữ hợp pháp thông tin đó phải có những biện pháp hợp lý để giữ bí mật. Ví dụ: công thức chế biến đồ uống nhẹ mang tên Coca Cola là một bí mật kinh doanh của công ty Coca Cola. Chỉ một vài người trong công ty biết được công thức này; và nó được giữ bí mật trong một chiếc hầm của ngân hàng ở Atlanta, bang Georgia; những người biết được công thức bí mật này đã ký hợp đồng không tiết lộ. Chính vì quyết định giữ bí mật về công thức này thay vì đang ký cấp bằng sáng chế, đến nay, công ty Coca Cola vẫn là doanh nghiệp duy nhất có thể sản xuất được loại nước uống đặc biệt được toàn cầu ưa chuộng.

Còn nếu công thức này được cấp bằng sáng chế (chỉ đươc bảo hộ tối đa là 20 năm, sau đó sẽ trở thành tài sản chung của nhân loại), mọi thành phần và công đoạn chế biến Coca Cola sẽ được bộc lộ công khai, và cả thế giới đều có thể sản xuất Coca Cola.

Trong trường hợp của cocacola, việc bảo hộ bí mật kinh doanh là một lựa chọn khôn ngoan hơn so với bảo hộ sáng chế

Tổng hợp: HT (nguồn WIPO.INT)




Chia sẻ