Xây dựng một nhãn hiệu không phải là một việc đơn giản. Không hề có những quy tắc cụ thể nào cho một nhãn hiệu thành công, tuy nhiên có một số hướng dẫn rất hữu ích.

Trước tiên, bạn nên chắc chắn rằng nhãn hiệu mà bạn đưa ra đáp ứng các yêu cầu pháp lý cho việc đăng ký nhãn hiệu. Nhãn hiệu của bạn phải đủ tính phân biệt để có thể được bảo hộ và có thể được đăng ký với cơ quan nhãn hiệu trong nước hoặc nước ngoài. Tính phân biệt này sẽ càng làm cho khách hàng dễ nhận ra nhãn hiệu, địa chỉ doanh nghiệp đó. Ngoài ra, trong việc xây dựng, thiết kế hoặc lựa chọn nhãn hiệu, bạn nên tham khảo những yếu tố sau:

1. Dấu hiệu phải dễ đọc, dễ đánh vần, phát âm và dễ nhớ bằng tất cả các thứ tiếng có liên quan.

2. Không mang nghĩa đối lập theo tiếng lóng hoặc ý nghĩa không mong muốn.

3. Phù hợp với các thị trường xuất khẩu mà không mang nghĩa đối lập trong ngôn ngữ nước ngoài, đặc biệt nếu bạn có dự định thương mại hóa sản phẩm ở nước ngoài.

4. Không tạo ra sự nhầm lẫn về bản chất của sản phẩm.

5. Có thể thích ứng được với tất cả các phương tiện quảng cáo.

Nhãn hiệu bạn lựa chọn có thể sẽ rơi vào một trong số các trường hợp sau:

Các từ tự đặt (hoặc các từ “kỳ cục”): Đây là những từ được sáng tạo ra mà không có bất kỳ ý nghĩa thực nào trong bất kỳ thứ tiếng nào (ví dụ Kodak hoặc Exxon). Các từ tự đặt có lợi thế là dễ được bảo hộ vì chúng có nhiều khả năng được coi là phân biệt. Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, người tiêu dùng có thể khó khăn hơn trong việc ghi nhớ chúng, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn trong quảng cáo về sản phẩm.

Các nhãn hiệu tùy ý là các nhãn hiệu bao gồm các từ có nghĩa thực trong một ngôn ngữ nhất định. Tuy nhiên, nghĩa của từ này không liên quan gì tới bản thân sản phẩm hoặc chất lượng của nó (ví dụ Apple (Quả táo) cho máy tính). Như trong trường hợp của các từ tự đặt, trong khi mức độ và độ dễ dàng để  được bảo hộ thường cao thì lại không có mối liên hệ trực tiếp giữa nhãn hiệu và sản phẩm vì vậy đòi hỏi khả năng tiếp thị cao hơn để tạo ra được mối liên hệ như vậy trong tiềm thức của người tiêu dùng.

Nhãn hiệu mang tính gợi ý là những nhãn hiệu ám chỉ tới một hoặc một số thuộc tính của sản phẩm. Yêu cầu đăng ký nhãn hiệu mang tính gợi ý dẫn tới một thực tế là chúng sẽ đóng vai trò như một hình thức quảng cáo và có thể tạo ra một sự liên hệ trực tiếp trong tiềm thức người tiêu dùng giữa nhãn hiệu, chất lượng mong muốn và sản phẩm. Tuy nhiên, một nguy cơ liên quan là một số tài phán có thể cho rằng nhãn hiệu mang tính chất gợi ý sẽ quá mang tính chất mô tả hoặc không đủ tính phân biệt để đáp ứng điều kiện bảo hộ nhãn hiệu.

Tổng hợp: HT (theo WIPO.INT)




Chia sẻ