Một nghiên cứu của công ty tư vấn Ocean Tomo kết luận rằng tài sản vô hình hiện chiếm hơn 80% giá trị thị trường của các công ty S&P 500 (500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất), tăng từ mức dưới 20% vào năm 1975. Một nghiên cứu từ McKinsey cho thấy 31% lợi nhuận các công ty phương Tây đến từ những “lĩnh vực chú trọng ý tưởng và tăng trưởng thần tốc”, so với 17% vào năm 1999. Không thể tránh khỏi thực tế rằng việc quản lý tài sản vô hình nên là ưu tiên hàng đầu cho các nhà quản trị hiện nay.

Sự thay đổi vai trò của tài sản hữu hình (màu xanh) và vô hình (màu cam) về giá trị thị trường theo thời gian (Nguồn hình ảnh: Trginternational)

Nhìn chung, tài sản của một tổ chức có thể được chia thành 2 loại: tài sản hữu hình – bao gồm nhà xưởng, máy móc, tài sản tài chính và cơ sở hạ tầng, và tài sản vô hình – được tính từ nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật đến các ý tưởng, thương hiệu, kiểu dáng và các kết quả vô hình khác có được từ năng lực đổi mới và sáng tạo của công ty. Theo truyền thống, tài sản hữu hình là tài sản chính của tổ chức và có ý nghĩa quyết định khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường. Trong những năm gần đây, tình hình đã thay đổi đáng kể. Dần dần, và chủ yếu là do thành quả của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự tăng trưởng của nền công nghiệp dich vụ, các tổ chức, doanh nghiệp đang nhận ra rằng tài sản vô hình trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình của mình.

Tóm lại, các nhà xưởng và nhà máy lớn dần dần đang được thay thế bởi các phần mềm và các ý tưởng đổi mới đang mang lại thu nhập lớn cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Và thậm chí trong một số lĩnh vực mà công nghệ sản xuất truyền thống vẫn ngự trị, sự đổi mới không ngừng và sáng tạo vô tận đang trở thành chìa khóa cho sức mạnh cạnh tranh, bất kể đó là thị trường nội địa hay thị trường quốc tế. Do đó, tài sản vô hình phải đóng vai trò trung tâm và các tổ chức cần tìm ra cách thức sử dụng tốt nhất các tài sản vô hình của mình.

Một biện pháp quan trọng để sử dụng các tài sản vô hình là bảo hộ pháp lý, nếu chúng đủ điều kiện để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, quyền sở hữu trí tuệ có thể đạt được theo các dạng sau đây của tài sản vô hình:

– Sản phẩm và quy trình đổi mới (thông qua sáng chế hoặc giải pháp hữu ích);

– Tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học bao gồm (ở hầu hết các nước) phần mềm máy tính và tập hợp dữ liệu (thông qua bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan);

– Kiểu dáng sáng tạo (thông qua kiểu dáng công nghiệp);

– Dấu hiệu phân biệt (chủ yếu thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, tuy nhiên trong một số trường hợp, việc bảo hộ thông qua chỉ dẫn địa lý);

– Các vi mạch (bảo hộ thông qua mạch tích hợp bán dẫn);

– Chỉ dẫn của hàng hóa về chất lượng và danh tiếng nhất định tạo nên nguồn gốc địa lý (bảo hộ thông qua chỉ dẫn địa lý) và

– Bí mật thương mại (bảo hộ thông qua thông tin bí mật có giá trị thương mại).

Tổng hợp: HT (theo: WIPO.INT, Trginternational)




Chia sẻ