Cách thức bảo hộ tác phẩm của mình? Quyền tác giả bao gồm các quyền nào?
Không giống như các quyền sở hữu trí tuệ khác buộc phải đăng ký, quyền tác giả không phụ thuộc vào các thủ tục hành chính. Một tác phẩm đã được sáng tạo ra được coi là đã được bảo hộ quyền tác giả ngay khi định hình. Theo hai công ước quốc tế về quyền tác giả (đặc biệt là Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật), các tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ mà không cần tiến hành thủ tục bất kỳ tại nước thành viên của các công ước này trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều nước có cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia và pháp luật một số quốc gia cho phép đăng ký các tác phẩm với mục đích như xác định và phân biệt tên gọi của tác phẩm. Ở một số nước, việc đăng ký còn nhằm mục đích tạo chứng cứ ban đầu trước toà án trong các vụ tranh chấp về quyền tác giả.
Quyền tác giả bao gồm những quyền nào?
Tác giả của tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả có độc quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm theo những điều kiện thoả thuận. Tác giả của tác phẩm có thể ngăn cấm hoặc cho phép:
– Tái bản tác phẩm của mình dưới nhiều hình thức khác nhau, như bản in hoặc bản ghi âm;
– Phân phối lần đầu tiên tác phẩm đến công chúng thông qua bán và chuyển nhượng quyền sở hữu;
– Cho thuê các bản sao (đối với chương trình máy tính và bản ghi âm, cũng như các tác phẩm nghe nhìn);
– Biểu diễn trước công chúng, đối với một vở kịch hoặc tác phẩm âm nhạc;
– Sao chép, ví dụ dưới hình thức đĩa CD, DVD, bang cát-xét hoặc băng video;
– Phát sóng, thông qua truyền thanh, cáp quang và vệ tinh;
– Dịch từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ khác hoặc chuyển thể, ví dụ, một tiểu thuyết thành kịch bản phim.
Nhiều tác phẩm sáng tạo được bảo hộ quyền tác giả cần có sự phân phối, truyền thông và đầu tư tài chính lớn cho việc phổ biến (ví dụ, các ấn phẩm, bản ghi âm hoặc phim), do đó, tác giả thường chuyển giao (li-xăng) các quyền đối với tác phẩm của mình cho các cá nhân hoặc công ty có khả năng tiếp thị tốt nhất các tác phẩm đó để nhận được thù lao. Những khoản thù lao thường được đưa ra phụ thuộc vào việc sử dụng thực tế các tác phẩm và do đó, được gọi chung là phí li-xăng.
Các quyền tài sản thuộc quyền tác giả có thời hạn suốt cuộc đời tác giả và thêm 50 năm sau khi tác giả chết. Thời hạn này cho phép tác giả và người thừa kế hưởng lợi về tài chính trong một thời hạn nhất định. Việc bảo hộ quyền tác giả cũng bao gồm quyền nhân thân (quyền tinh thần) liên quan đến quyền yêu cầu nêu tên là tác giả của tác phẩm và quyền phản đối những thay đổi trong tác phẩm có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của tác giả.
Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm có thể thực thi các quyền theo thủ tục hành chính và tại toà án thông qua việc thanh tra cơ sở sản xuất để thu thập bằng chứng về việc sản xuất hoặc sở hữu hàng hoá xâm phạm quyền tác giả hoặc được sản xuất bất hợp pháp liên quan đến tác phẩm được bảo hộ. Chủ sở hữu có thể đề nghị toà án ngăn chặn các hành vi nêu trên, cũng như yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại về tài chính hoặc sự công nhận.
Tổng hợp: HT