Sáng 31/10, tại nhà Điều hành ĐHQG, PGS.TS Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã có buổi làm việc với ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Hữu Phí cho biết năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ nhận được khoảng 5.400 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó số đơn của người Việt chỉ chiếm khoảng 600 đơn. Con số này còn quá thấp so với tiềm năng của đất nước. Do đó, ông Phí mong muốn thông qua buổi làm việc, ĐHQG-HCM sẽ trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động SHTT, qua đó hỗ trợ Cục SHTT trong việc đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống SHTT của Việt Nam đến năm 2030.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, hiện nay ĐHQG-HCM đang gặp một số vấn đề liên quan hoạt động SHTT như: vi phạm bản quyền tác giả, thất thoát các bài báo ISI, thiếu khung pháp lý tương ứng cho việc chuyển giao sản phẩm khoa học – công nghệ dưới dạng thành lập các doanh nghiệp…

“Chúng tôi cho rằng cần có cơ chế để các nhà khoa học gắn quyền lợi với các tài sản trí tuệ được đăng ký theo tên trường. Đồng thời, cơ sở định giá sản phẩm khoa học – công nghệ trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có khiến cho các nhà khoa học khá lúng túng. Do đó, cục cần làm rõ các quy định đảm bảo quyền lợi cho các nhà khoa học trong quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ với doanh nghiệp” – PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn từ phía ĐHQG-HCM và cho biết sẽ có những giải pháp cụ thể liên quan các vấn đề trên.

“Chúng tôi luôn khuyến khích các nhà nghiên cứu đăng ký đơn bảo hộ SHTT, nâng cao kết quả nghiên cứu và đặc biệt chuyển đổi sự quan tâm đăng ký bài báo ISI sang đăng ký IP. Về hoạt động chế tài các vi phạm SHTT, cục đã có kiến nghị chuyển dần từ cơ chế xử phạt hành chính sang lĩnh vực dân sự, kinh tế” – ông Đinh Hữu Phí cho biết.

Ông Đinh Hữu Phí cũng đề nghị việc hợp tác giữa ĐHQG-HCM và Cục SHTT nên đẩy lên một tầm cao mới, ĐHQG-HCM thông qua Trung tâm SHTT&CGCN IPTC có thể trở thành một IP Hub của Việt Nam. Theo đó, IPTC sẽ tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về SHTT, đào tạo chuyển giao, thẩm định đơn đăng ký để chia sẻ kinh nghiệm cho xã hội.

IP-Hub là mạng lưới các Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam. Có thể hiểu hoạt động của IP- Hub chính là dựa vào nền tảng, lợi thế của SHTT, khi các chủ thể có sáng chế, giải pháp hữu ích có triển vọng được tư vấn phát triển, thương mại hóa và thu lợi nhuận tài chính để phát triển hơn nữa.

Để làm được như vậy, Cục SHTT cùng WIPO triển khai các hoạt động của mạng lưới. WIPO hỗ trợ trang bị kiến thức cho các thành viên mạng lưới qua tập huấn, đào tạo. Cục cung cấp, hướng dẫn cách khai thác các công cụ của kho dữ liệu để rút ngắn thời gian, công sức, tiền của cho các nhà nghiên cứu, tạo ra những sáng chế có khả năng thương mại hóa cao.

Đặc biệt, mạng lưới IP-Hub tập trung vào những tổ chức nghiên cứu có giải pháp công nghệ để thúc đẩy khai thác thương mại hoặc chuyển giao công nghệ các giải pháp đó. Thông qua đào tạo, từng thành viên sẽ trở thành chuyên gia, sau này có thể tư vấn, hỗ trợ, kết nối với các chủ sở hữu sáng chế để hoàn thiện, phát triển sản phẩm, tiến tới đưa ra thị trường. Hiện cả nước đã có 28 đơn vị mong muốn được tham gia mạng lưới này.

Tin, ảnh: PHIÊN AN




Chia sẻ