Doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất về vi mạch bán dẫn tại Việt Nam
Việt Nam muốn làm chủ toàn bộ chuỗi cung ứng sản xuất chip sẽ cần bỏ ra một sự đầu tư rất lớn nên cần tìm ra một hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện hiện có. Hiện nay, hai hãng khổng lồ về công nghệ Intel và Samsung đã tiếp cận Việt Nam từ rất sớm. Intel tiếp cận Việt Nam từ những năm 2005, và nhà máy đóng gói và kiểm định chip máy tính của Intel Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2010. Samsung đầu tư vào Việt Nam để sản xuất lắp ráp các sản phẩm điện tử từ những năm 2008. Hơn 10 năm trước, lĩnh vực sản xuất bán dẫn ở Việt Nam gần như chưa có nền tảng gì đáng kể. Sự thành công của các nhà máy Intel và Samsung tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng rằng: đầu tư vào Việt Nam là một sự lựa chọn đúng. Hơn nữa, gần đây chúng ta còn nghe được tin tức về việc bắt đầu mở rộng sang khâu thiết kế chip của Intel và khâu đóng gói chip cao cấp của Samsung tại Việt Nam. Việc này đã tạo ra những ảnh hưởng rất tích cực, làm tăng thêm niềm tin của các hãng công nghệ khác đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.
Bảng 1. Thống kê doanh thu theo các loại linh kiện bán dẫn của Châu Mỹ, Châu Âu, Nhật bản và Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 (theo WSTS).
Nhóm khảo sát đã thống kê (chưa đầy đủ) một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã, đang và sẽ đầu tư trong lĩnh vực chế tạo linh kiện bán dẫn, chíp, lắp ráp điện tử đang hoạt động tại Việt nam, như liệt kê để cung cấp thông tin cho các nhà khoa học và doanh nghiệp đang tìm kiếm thông tin hợp tác:
(1)Intel Products Việt Nam:
Intel bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 2021, tập đoàn đầu từ thêm 475 triệu USD vào Việt Nam, qua đó nâng tổng số vốn đầu tư tại nước ta là 1.5 tỷ USD. Sự có mặt của Intel tại Việt Nam đã đóng góp vào việc thu hút nhiều nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu. Dự án tạo ra hơn 6.500 việc làm. Giá trị xuất khẩu từ năm 2010 đến quý 3 năm 2023 đạt 82 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TPHCM.
Intel Việt Nam cũng đóng góp cho các hoạt động xã hội tại Việt Nam hơn 550 tỷ đồng, chủ yếu vào lĩnh vực giáo dục kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Intel Products Việt Nam cũng đã nhận được nhiều bằng khen của Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nhiều tổ chức uy tín quốc tế, như: Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen cấp bộ và của TP.HCM.
(2) Samsung Việt Nam
Samsung là một trong các tập đoàn điện tử hàng đầu trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại nước ta. Vào cuối năm 2023, nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên bắt đầu sản xuất đại trả các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn.
Sau khi công bố doanh số kỷ lục và lợi nhuận hoạt động vào năm trước đó, Samsung Electronics đặt mục tiêu vào một thách thức mới khi tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 50 vào năm 2019. Kể từ đó, Samsung đã liên tục phấn đấu để trở thành Số 1 trong ngành công nghiệp bán dẫn hệ thống đồng thời thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực như AI và 5G. Công ty đã tiếp tục đổi mới để duy trì vị thế dẫn đầu thế giới về chất bán dẫn bộ nhớ, TVs và điện thoại thông minh. Năm 2019, Samsung cũng tuyên bố tầm nhìn CSR mới của mình: “Together for Tomorrow! Enabling People”. Chiến lược này vạch ra các cam kết của công ty với tư cách là một công dân doanh nghiệp toàn cầu, nêu rõ cách Samsung phấn đấu để hoàn thành trách nhiệm xã hội và đặc điểm mà công ty sẽ áp dụng trong thế kỷ tới và hơn thế nữa.
Một số điểm nhấn trong năm 2023: Xếp hạng Top 5 Thương hiệu Toàn cầu năm thứ 4 liên tiếp với giá trị thương hiệu là 91,4 tỷ đô la; Đứng đầu thị trường TV toàn cầu năm thứ 17 liên tiếp; Bắt đầu sản xuất hàng loạt 12nm-class DRAM tiên tiến nhất trong ngành; Giành được 80 giải thưởng iF Design Awards 2023 bao gồm giải Vàng cho Bespoke Infinite Line trong hạng mục thiết bị nhà bếp; Công bố mô hình AI tạo sinh Samsung Gauss tại Samsung AI Forum; Công bố tính năng Irregular Heart Rhythm Notification (IHRN) được FDA chứng nhận trên Galaxy Watch; Phát triển GDDR7 DRAM đầu tiên trong ngành, thúc đẩy sự tăng trưởng thị trường đồ họa trong tương lai; Phát triển yếu tố hình thức LPCAMM đầu tiên trong ngành, chuyển đổi thị trường DRAM; Đạt chứng nhận toàn cầu ở mức cao nhất từ Alliance for Water Stewardship; Cung cấp giải pháp Net Zero Home cho cộng đồng dân cư thông minh ở Thụy Điển
(3) Hana Micron Vina
Ngày 16/9/2023, Công ty Hana Micron Vina (Hàn Quốc) chính thức khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc nước ta. Công ty Hana Micron Vina sẽ phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp chất bán dẫn mới tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy tính đa dạng trong các loại hình công nghệ, kỹ thuật sáng tạo mà nước ta đang theo đuổi.
(4) Amkor Technology
Tập đoàn Amkor, được thành lập từ năm 1968, là doanh nghiệp dầu tiên tạo ra sản phẩm bán dẫn tại Hàn Quốc. Ngày 11/10/2023, Tập đoàn Amkor tổ chức lễ khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong. Theo đó, đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn này tại Bắc Ninh. Amkor mong muốn sẽ trở thành một cứ điểm quan trọng trong mạng lướt hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của tập đoàn, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và thu hút nhiều nhân lực về vi mạch bán dẫn.
(5). Infineon Technologies AG
Infineon Technologies là công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đức, đồng thời cũng là một trong những công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT. Vào ngày 31/5/2023, Infineon Technologies AG thông báo mở trung tâm phát triển chip điện tử tại Hà Nội. Trung tâm dự kiến có khoảng 25 chuyên gia kỹ thuật vào cuối năm và tập trung vào các hoạt động như kiểm thử và tùy chỉnh mạch kỹ thuật số, mạch tín hiệu analog, tích hợp, hỗ trợ ứng dụng lái xe tự động, giám sát và cân bằng pin, và nghiên cứu về chip vi điều khiển cho ứng dụng trong ô tô. Nhận định của Công ty này là Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử với các khoản đầu tư rất lớn cho ngành sản xuất những năm gần đây.
(6). Victory Giant Technology
Tập đoàn Victory Giant Technology là một doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc, chuyên sản xuất các linh kiện điện tử, chất bán dẫn. Tập đoàn này sẽ đầu tư hơn 800 triệu USD để xây nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh 2 (tỉnh Bắc Ninh) với diện tích 10 ha để nghiên cứu, phát triển sản xuất và kinh doanh bảng mạch có độ chính xác cao. Tập đoàn Victory Giant Technology cho biết sẽ triển khai thực hiện dự án và bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh vào giữa năm 2025.
(7). FPT Semiconductor
Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) là một trong các công ty sản xuất chất bán dẫn ở Việt Nam, chính thức thành lập vào tháng 03/2022 tập trung vào mảng bán dẫn. Công ty thành lập trung tâm R&D tại Đà Nẵng, hợp tác cùng thành phố này trong nỗ lực đẩy mạnh lĩnh vực chip bán dẫn. Dòng chip vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor được ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) ở lĩnh vực y tế với tiêu chí “chip Make in Vietnam, Made by FPT” ra mắt năm 2022 đã đánh dấu tên tuổi của công ty trên bản đồ công nghệ chip thế giới.
Mới đây, FPT Semiconductor xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 bởi các khách hàng từ Đài Loan, Hàn Quốc, và Nhật Bản.
(8). CMC là một trong những doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, thiết và sản xuất chip. Theo đó, Tập đoàn đang tăng cường hệ thống sản xuất chip bán dẫn.
Bên cạnh đó, trường Đại học CMC – một thành viên thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông từ năm 2024, trong đó có định hướng Thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design). Trường Đại học CMC cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Công nghệ hàng đầu tại Mỹ trong lĩnh vực sản xuất phần mềm thiết kế chip, cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn – Synopsys. Theo đó, Tập đoàn này sẽ cung cấp chương trình đào tạo theo chuẩn toàn cầu và đào tạo giảng viên theo công cụ và quy trình thiết kế chuẩn công nghiệp của Synopsys.
(9) Viettel
Bên cạnh FPT Semiconductor và CMC Global, Viettel cũng là các công ty sản xuất chất bán dẫn ở Việt Nam. Tại Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), diễn ra tại Hà Nội năm 2023, Viettel đã công bố hai sản phẩm chip 5G à trợ lý ảo. Theo đó, dòng chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ thiết kế hoàn toàn.
Việc làm chủ các công đoạn thiết kế chip được xem bước tiến quan trọng để Việt Nam tiến sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, trong bối cảnh thị trường toàn cầu chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại. Đây là tiền đề để Tập đoàn tiếp tục sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT, … trong thời gian tới.
Nguồn: https://ictvietnam.vn và HSIA cung cấp.