Các doanh nghiệp phải đầu tư một lượng lớn thời gian và nguồn lực đáng kể để cải thiện kiểu dáng sản phẩm của họ nhằm:

Làm cho sản phẩm phù hợp với các nhóm khách hàng cụ thể.

Có nghĩa là những sửa đổi nhỏ đối với kiểu dáng của sản phẩm (ví dụ, đồng hồ) có thể làm cho chúng phù hợp với từng độ tuổi, nét văn hóa hoặc các nhóm người cụ thể. Trong khi chức năng chính của đồng hồ có thể không thay đổi, nhưng trẻ em và người lớn có thể ưa thích các kiểu dáng khác nhau.

Tạo ra một thị trường “mục tiêu” mới.

Trên thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các công ty phải phải xây dựng một thị trường mục tiêu cho mình bằng cách giới thiệu sản phẩm có kiểu dáng sáng tạo để phân biệt sản phẩm của công ty họ với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Điều này cũng được áp dụng cho các sản phẩm thông thường như ổ khóa, cốc hoặc đĩa đựng cốc hoặc cho các sản phẩm có giá trị cao tiềm năng như đồ trang sức, máy tính hoặc xe hơi….

Nâng cao thương hiệu.

Kiểu dáng sáng tạo thường được kết hợp với các nhãn hiệu có khả năng phân biệt cao để nâng cao thương hiệu của công ty. Nhiều công ty đã xác định lại một cách thành công hình ảnh thương hiệu của họ thông qua việc tập trung mạnh mẽ vào kiểu dáng sản phẩm.

Những kiểu dáng đặc trưng của chai cocacola qua các năm

Trong ngôn ngữ hằng ngày, “kiểu dáng công nghiệp” nhìn chung đề cập đến hình dáng bên ngoài và chức năng tổng thể của một sản phẩm. Một chiếc ghế bành được coi là “có kiểu dáng đẹp” nếu ta thấy thoải mái khi ngồi vào và nhìn thấy bắt mắt. Do vậy, đối với doanh nghiệp, kiểu dáng sản phẩm nhìn chung hàm ý việc phát triển các đặc điểm mang tính chức năng và thẩm mỹ của sản phẩm, có lưu ý đến các vấn đề khác như khả năng tiếp cận thị trường và chi phí sản xuất sản phẩm hoặc sự thuận tiện trong việc vận chuyển, lưu giữ, sửa chữa và chuyển nhượng.

Tuy nhiên, theo tinh thần của pháp luật sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp chỉ đề cập đến các khía cạnh thẩm mỹ hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm. Nói cách khác, nó chỉ đề cập đến hình dáng bên ngoài của chiếc ghế bành. Mặc dù kiểu dáng của sản phẩm có thể bao gồm các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng, thì kiểu dáng công nghiệp — với tư cách là một đối tượng sở hữu trí tuệ chỉ đề cập đến đặc điểm thẩm mỹ của sản phẩm hoàn chỉnh và do đó, khác với các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng bất kỳ.

Kiểu dáng công nghiệp có tầm quan trọng đối với nhiều loại sản phẩm được sản xuất hang loạt cũng như các sản phẩm thủ công riêng lẻ: từ các dụng cụ kỹ thuật và y tế đến đồng hồ, trang sức và các sản phẩm xa xỉ khác; từ các đồ dùng gia dụng, đồ chơi, đồ gỗ và thiết bị điện đến xe hơi và các tác phẩm kiến trúc; từ kiểu dáng hàng dệt may đến dụng cụ thể thao. Kiểu dáng công nghiệp cũng được áp dụng cho bao bì và hộp đựng sản phẩm.

Như một quy tắc chung, kiểu dáng công nghiệp gồm các đặc điểm ba chiều, như hình dáng của sản phẩm, các đặc điểm hai chiều như các trang trí, họa tiết và đường nét hoặc màu sắc, hoặc sự kết hợp của hai hay nhiều yếu tố này.

Tổng hợp: HT




Chia sẻ