Thông qua trang tiếp nhận tư vấn – hỏi đáp miễn phí, IPTC có nhận được câu hỏi của một doanh nghiệp, nội dung như sau:

Kính gửi Trung tâm IPTC

Logo của công ty chúng tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2011, gần đây tôi phát hiện có một doanh nghiệp khác đang sử dụng logo rất giống với logo của công ty chúng tôi. Như vậy, đây có phải là hành vi xâm phạm nhãn hiệu không và công ty chúng tôi cần phải làm gì lúc này? Rất mong nhận được sự tư vấn của Quý Trung tâm.

Chân thành cảm ơn.


Với tình huống này, IPTC xin tư vấn như sau:

Trước hết cần phải hiểu hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu (logo) là các “hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần các yếu tố chính của nhãn hiệu đang được cấp văn bằng bảo hộ”.

Các hình thức vi phạm nhãn hiệu gồm có:

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó.

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Nhãn hiệu của công ty RebBull thường xuyên bị xâm phạm (Ảnh: rebbull.com)

Nếu anh chị có cơ sở để khẳng định công ty kia có một trong các dấu hiệu vi phạm trên thì hãy tiến hành ngay các bước như sau:

1/ Thu thập chứng cứ

Thu thập thông tin xâm phạm qua các hành vi quảng cáo, sản xuất kinh doanh trên thị trường, thông tin chủ thể có dấu hiệu xâm phạm, nơi lưu trữ hàng hoá xâm phạm, khách hàng (tổ chức) mua hàng của chủ thể xâm phạm và các chủ thể liên quan, thiệt hại. Xác minh hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ của Quốc gia hoặc Quốc tế (phù hợp phạm vi lãnh thổ đăng ký bảo hộ), xem chủ thể xâm phạm có ý định đăng ký hoặc đang được cơ quan chức năng xem xét cấp đăng ký cho đối tượng sở hữu trí tuệ tương tự gây nhầm lẫn hoặc có ý đồ xâm phạm thì kịp thời khiếu nại, phản đối hoặc yêu cầu từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

2/ Chuẩn bị tài liệu:

Anh chị cần chuẩn bị các tài liệu sau:

+ 03 Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (logo công ty) có chứng thực hợp pháp.

+ Thông tin của bên vi phạm gồm tên công ty, địa điểm kinh doanh hoặc các giấy tờ tài liệu khác.

+ Những tài liệu chứng minh vi phạm của đối tượng bị nghi ngờ như : Mẫu nhãn hiệu của bạn và mẫu nhãn hiệu của bên vi phạm; Bản giải trình, so sánh giữa sản phẩm bị xem xét với đối tượng được bảo hộ; Biên bản, lời khai, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.

3/ Giám định sở hữu trí tuệ

Giám định sở hữu trí tuệ là bước không bắt buộc, nhưng kết luận giám định lại là tài liệu quan trọng trong quá trình xử lý vi phạm và được coi là nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Do đó, giám định sở hữu trí tuệ là bước nên thực hiện trước khi tiến hành xử lý vi phạm chính thức.

Tài liệu cần thiết cho việc giám định bao gồm:

– Tờ khai theo mẫu;

– Tài liệu chứng minh quyền của chủ thể quyền (bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có xác nhận của Cục sở hữu trí tuệ);

– Tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm của bên bị nghi ngờ (Mẫu nhãn hiệu vi phạm);

Thời hạn để giám định thường nằm trong khoảng từ 7 đến 15 ngày làm việc.

Chi phí giám định (bao gồm phí dịch vụ và lệ phí chính thức): tùy theo vụ việc và thời gian yêu cầu giám định.

Tuy nhiên, nhận thấy mức độ vị phạm vừa phải và chủ thể vi phạm có thiện chí thì không cần thiết phải tiến hành giám định (tuân thủ yêu cầu cảnh báo đầu tiên).

4/ Xử lý vi phạm  

Dựa vào kết quả giám định, chủ thể quyền có thể lựa chọn các phương án sau đây để xử lý hành vi xâm phạm quyền.

* Phương án 1: Gửi thư cảnh báo đến bên vi phạm (IPTC khuyến khích các đơn vị nên thực hiện phương án này trước tiên)

Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện các yêu cầu trên hoặc thực hiện không đầy đủ thì chủ thể quyền có thểm xem xét phương án 2 dưới đây. Tuy nhiên, phương án này không phải là phương án bắt buộc theo quy định hiện hành.

* Phương án 2: Yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi xậm phạm của bên vi phạm (biện pháp hành chính).

Tùy theo từng địa phương, tính chất của vụ việc mà cơ quan có thẩm quyền có thể được chọn theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP

Tài liệu cần thiết cho việc thực hiện phương án này bao gồm:

– Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền;

– Tài liệu chứng minh tư cách chủ thể quyền (bản sao có chứng thực hoặc bản sao có xác nhận của NOIP)

– Tài liệu chứng minh hành vi xâm phạm của bên bị xử lý (Mẫu vật hoặc ảnh chụp dấu hiệu vi phạm);

– Kết luận giám định của Viện khoa học sở hữu trí tuệ;

– Các tài liệu khác có khả năng sử dụng trong quá trình xử lý của cơ quan có thẩm quyền;

Trong vòng 10 ngày sau khi nhận được đơn yêu cầu xử lý, có quan có thẩm quyền phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn yêu cầu xử lý. Trong trường hợp đơn chưa cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chủ thể quyền cung cấp, bổ sung trong vòng 30 ngày tính từ ngày ra yêu cầu.

Trong vòng 30 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho bên yêu cầu về dự định thời gian, biện pháp xử lý, thủ tục xử lý và yêu cầu chủ thể quyền hợp tác hỗ trợ trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.

* Phương án 3: Biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan

Được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể (tức là anh chị) quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam, nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm.

* Phương án 4: Biện pháp dân sự

Khi xảy ra tranh chấp quyền Sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền Sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố giải quyết.

* Phương án 5: Biện pháp hình sự

Được áp dụng đối với người nào cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại.

Trên đây là các ý kiến tư vấn của IPTC đối với trường hợp của Quý Công ty. Nếu cần giải đáp thêm, Quý công ty vui lòng tiếp tục đặt câu hỏi tại trang tiếp nhận tư vấn – hỏi đáp miễn phí  hoặc liên hệ Văn phòng IPTC theo địa chỉ bên dưới. Trân trọng.




Chia sẻ