Làm thế nào để khởi nghiệp bằng chính sáng chế của bạn?
Trong những năm gần đây, khái niệm “tiền tệ hóa tài sản trí tuệ” hay “định giá tài sản trí tuệ” ngày càng phổ biến. Có nhiều cách để làm được điều này. Luật SHTT nhiều nước trong đó có Việt Nam cho phép dùng quyền sở hữu trí tuệ để bán, li-xăng, được sử dụng để ký quỹ hoặc thế chấp vay nợ. Hoặc đối với các starup (hay doanh nghiệp khởi nghiệp) thì có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (là các sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, quyền tác giả…) để làm cơ sở gọi vốn từ bạn bè, gia đình, các nhà đầu tư “thiên thần”, các nhà tư bản mạo hiểm, các ngân hàng …
Ngoài ra, ở hầu hết các nước (bao gồm Việt Nam), Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thông qua các cơ chế cấp, bảo lãnh, trợ cấp hoặc cho vay với lãi suất thấp từ các tổ chức tín dụng công và các ngân hàng.
Là một founder (nhà sáng lập) của doanh nghiệp khởi nghiệp, bạn phải hiểu rằng quyền sở hữu trí tuệ của bạn không chỉ như một tài sản về mặt pháp lý mà còn như một công cụ tài chính.
Do vậy, quan trọng là bạn phải thuyết phục nhà đầu tư về những cơ hội thị trường mở ra cho doanh nghiệp trong việc thương mại hóa sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan. Đôi khi một bằng độc quyền sáng chế mạnh có thể mở ra nhiều cơ hội về tài chính.
Việc sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả sáng tạo hoặc sáng kiến liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp dự định đưa ra thị trường sẽ đảm bảo một mức độ độc quyền nhất định, và từ đó, bảo đảm một thị phần cao hơn nếu sản phẩm/dịch vụ này tỏ ra thành công đối với người tiêu dùng.
Các nhà đầu tư khác nhau có thể định giá tài sản trí tuệ của bạn theo các cách khác nhau và có thể gán cho quyền sở hữu trí tuệ các mức độ quan trọng khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng rõ ràng là các tài sản trí tuệ ngày càng được tin tưởng như là một lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Do vậy, ngay cả ở các nước phát triển, những nhà đầu tư ngày càng hướng vào các công ty có danh mục vốn đầu tư sở hữu trí tuệ được quản lý tốt, ngay cả khi họ phải đương đầu với nhiều vấn đề và khó khăn mới để cố gắng bảo vệ tốt nhất các lợi ích về sở hữu trí tuệ.
Vì thế, xin nhắc lại bạn – với tư cách là founder của một doanh nghiệp khởi nghiệp, bạn phải từng bước hiểu được giá trị thương mại của tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp bạn sở hữu, đảm bảo giá trị đích thực của chúng, hiểu được và tính toán đầy đủ các giá trị của chúng trong các bảng biểu tài chính. Trên tất cả, bạn phải đảm bảo rằng kế hoạch kinh doanh mà bạn giới thiệu với các nhà đầu tư đã bao gồm các tài sản trí tuệ trong đó.
Thực hiện: Hữu Thống