Có nhiều trường hợp vì những lý do thực tế liên quan đến các hình thức sử dụng cụ thể mà việc quản lý các quyền một cách riêng lẻ là gần như không thể. Một tác giả không có khả năng giám sát tất cả việc sử dụng tác phẩm của mình.

Ví dụ, tác giả là người nhạc sĩ phải liên lạc với tất cả các đài phát thanh, truyền hình để đàm phán hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm và thù lao. Ngược lại, các tổ chức phát sóng cũng không thể tìm kiếm sự cho phép riêng lẻ của từng tác giả mỗi khi họ muốn sử dụng các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

Trung bình mỗi năm có khoảng 60.000 tác phẩm âm nhạc được phát trên đài truyền hình, do vậy, hàng nghìn chủ sở hữu quyền cần được tiếp cận để xin phép. Đối với cả chủ sở hữu và người sử dụng quyền, sự thiếu khả thi của việc quản lý các hoạt động một cách riêng lẻ đã tạo ra nhu cầu về tổ chức quản lý quyền tập thể có vai trò nối liền khoảng cách giữa họ trong những lĩnh vực quan trọng giữa tác giả và chủ sở hữu cũng như giữa các tổ chức quản lý tập thể.

Quản lý tập thể là việc thực hiện quyền tác giả và các quyền liên quan bởi các tổ chức thay mặt cho và vì lợi ích của chủ sở hữu quyền.

Trung Tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam – VCPMC là một mô hình quản lý tập thể quyền tác giả thành công

Các loại quyền phổ biến nhất được quản lý tập thể là gì?

Tổ chức quản lý tập thể chủ yếu quản lý các quyền sau:

– Quyền biểu diễn trước công chúng (âm nhạc được chơi hoặc được biểu diễn tại các sàn nhảy, nhà hàng và các địa điểm công cộng khác);

– Quyền phát sóng (cuộc biểu diễn trực tiếp hoặc bản ghi âm trên đài phát thanh hoặc truyền hình);

– Quyền tái bản các tác phẩm âm nhạc (tái bản các tác phẩm trong đĩa CD, băng ghi âm, đĩa ghi âm nhựa, băng cát-xét, đĩa mini hoặc các hình thức ghi âm khác);

– Quyền biểu diễn trong các tác phẩm kịch (các vở kịch trong nhà hát);

– Quyền tái bản các tác phẩm văn học và âm nhạc bằng cách sao chụp (phôtôcopy);

– Các quyền liên quan (quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất các bản ghi âm trong việc thu thù lao đối với việc phát sóng và truyền đạt đến công chúng các bản ghi âm).

Quản lý tập thể hoạt động như thế nào?

Có nhiều loại các tổ chức quản lý tập thể hoặc các nhóm tổ chức như vậy sẽ quản lý tập thể các loại quyền khác nhau, phụ thuộc vào loại tác phẩm (âm nhạc, kịch, sản phẩm đa phương tiện, v.v.).

Tổ chức quản lý tập thể “truyền thống” có chức năng thay mặt các thành viên đàm phán tỷ lệ thù lao và điều kiện sử dụng với khách hàng, cấp phép sử dụng, thu và phân phối tiền thù lao. Chủ sở hữu quyền riêng lẻ không trực tiếp tham gia vào bất kỳ công việc nào.

Trung tâm cấp quyền (Rights Clearance Centre) cấp các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng cho người sử dụng, trong đó quy định các điều kiện sử dụng tác phẩm và các điều khoản về mức thù lao do các chủ sở hữu quyền riêng lẻ thiết lập — những chủ sở hữu quyền này là thành viên của Trung tâm (trong lĩnh vực sao chép, ví dụ, tác giả của tác phẩm viết như sách, báo, tạp chí). Ở đây, Trung tâm có vai trò là đại diện cho chủ sở hữu quyền — những người mà vẫn trực tiếp tham gia vào việc thiết lập các điều khoản về việc sử dụng tác phẩm.

“Trung tâm dịch vụ một cửa” (one-stop-shops) là một dạng liên minh của các tổ chức quản lý tập thể riêng lẻ có chức năng cung cấp cho người sử dụng các nguồn tập trung mà từ đó việc xin phép có thể đạt được một cách dễ dàng và nhanh chóng. Xu hướng thành lập các tổ chức như vậy ngày càng phát triển do sự gia tăng không ngừng trong sản xuất các sản phẩm đa phương tiện (các sản phẩm này bao gồm hoặc được tạo ra từ một vài loại tác phẩm, kể cả chương trình máy tính) mà yêu cầu một loạt sự cho phép của các tác giả.

Tổng hợp: HT




Chia sẻ