Xây dựng giải pháp phục vụ giảng dạy STEM sử dụng công nghệ AI và in 3D (MS:028)

TÁC GIẢ:

Trần Hoàng Duy Thuận, Ưng Văn Thành, Trương Ngọc Minh Châu, Lê Hiếu Tình, Lâm Anh Dũng – Trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM

 

VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT

Giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering and Mathematics) là một chương trình giảng dạy hiện đại. Phương pháp giáo dục này nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức và kĩ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách liên môn (interdisciplinary). Những kiến thức và kỹ năng vừa nêu phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Giáo dục STEM tạo ra một môi trường trải nghiệm cho trẻ, tạo cho trẻ khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, để phát huy tối đa sự sáng tạo của học sinh các cấp, các hội chợ khoa học (Science fair) được tổ chức thường xuyên từ cấp trường đến cấp quốc gia. Một ví dụ cho sự coi trọng giáo dục STEM là ngày hội khoa học toàn quốc tại Nhà Trắng lần thứ 5, 23/03/2015, tổng thống Mỹ đã dành cả ngày để trao đổi, trò chuyện với các nhà khoa học nhí, các sản phẩm sáng tạo của học sinh được trưng bày trong văn phòng Nhà Trắng [1]. Như vậy, có thể thấy rằng giáo dục STEM đã trở thành xu hướng và đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới, STEM cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho trẻ.

Hình 1: Tổng thống Mỹ trò chuyện với các học sinh về lĩnh vực in 3D

Trong giáo dục STEM, sử dụng công nghệ in 3D vào các bài học là rất cần thiết. In 3D (3D Printing) là công nghệ chế tạo sản phẩm trực tiếp từ dữ liệu thiết kế 3D trên máy tính (CAD – Computer Aided Design). Nó tạo ra sản phẩm bằng cách thêm và liên kết vật liệu theo từng lớp với mỗi lớp là một lát cắt mỏng của sản phẩm cần chế tạo từ dữ liệu CAD gốc. Mỗi lát cắt sẽ có một bề dày nhất định. Hiện nay, đã có hơn 30 công nghệ in 3D đang được thương mại hóa, điểm khác nhau cơ bản giữa các công nghệ này là vật liệu sử dụng, phương pháp tạo lớp và phương pháp liên kết các lớp với nhau. Những khác biệt trên sẽ xác định các yếu tố quan trọng như: độ chính xác, đặc tính vật liệu, tính chất cơ học, thời gian chế tạo, phương pháp hậu xử lý và kích thước thiết bị. Trong số các công nghệ in 3D nêu trên, công nghệ FDM (Fused Deposition Modeling) được biết đến như là một trong những công nghệ được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong giáo dục.

Công nghệ FDM sử dụng được hầu hết các loại vật liệu nhựa nhiệt dẻo như ABS, PLA, Nylon, PP, PC, PE, …, có cơ tính tốt, giá thành vật liệu hợp lý. Thiết bị theo công nghệ FDM có nguyên lý hoạt động, kết cấu đơn giản, dễ chế tạo, dễ vận hành và bảo trì, chi phí hợp lý. Công nghệ sử dụng nhựa nhiệt dẻo phân hủy sinh học (PLA) không độc, không mùi, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thiết bị hoạt động êm, ít tiếng ồn.

 

Hình 2: Nguyên lý công nghệ FDM

Việc sử dụng công nghệ in 3D vào giảng dạy STEM sẽ khơi gợi sự hứng thú, cho phép học sinh n

ắm được nội dung kiến thức liên quan bằng cách quan sát và phân tích mô hình được in bởi giáo viên bằng máy in 3D. Nó mang lại hiệu quả thiết thực trong giáo dục vì nó cho phép giáo viên và học sinh “khám phá chân thực các đối tượng không có sẵn”. Công nghệ in 3D đưa các vật thể từ ý tưởng ra thực tế, trở thành những thứ mà học sinh có thể nhìn thấy và chạm vào, và mở ra những khả năng mới cho học sinh trong các hoạt động học tập.

Công nghệ in 3D đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm. Các chuyên gia giáo dục khẳng định công nghệ này còn khá mới mẻ nên có nhiều tiềm năng trong việc khơi gợi hứng thú và sáng tạo của người học trong thế kỷ 21. Tại Mỹ, từ những năm 2015 – 2016, các trường tiểu học đã sử dụng in 3D như một phương pháp tiếp cận mới để dạy STEM một cách sáng tạo hơn. Trường Prescott South ở Tennessee đã tổ chức một cuộc thi thiết kế bằng cách sử dụng máy in 3D dành cho học sinh lớp 4 – 5 [2]. Kết quả là cuộc thi đã thu hút được nhiều học sinh tham gia cùng với nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo.

 

Hình 3: Ứng dụng in 3D trong giảng dạy ở cấp bậc tiểu học ở Mỹ

Trong hình 3, qua quá trình theo dõi thị trường in 3D toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục, Technavio đã công bố bản báo cáo mới nhất của mình với tiêu đề “Thị trường in 3D toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục 2020-2024”, trong đó dự đoán thị trường này sẽ tăng trưởng 1,54 tỷ USD và đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm kép CAGR (Compounded Annual Growth Rate) hơn 19% trong giai đoạn từ năm 2020-2024. Báo cáo cũng đưa ra phân tích, cập nhật về tình hình thị trường hiện tại cũng như các xu hướng và động lực trong tương lai.

 

   Hình 4: Thị trường in 3D toàn cầu trong giáo dục trong lĩnh vực giáo dục 2020 – 2024

Cho đến nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã có những chương trình nghiên cứu phát triển và triển khai ứng dụng in 3D của riêng mình, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể:

  • Ở Hàn Quốc, cuối năm 2015, chính phủ đầu tư 15 triệu USD để phát triển công nghệ in 3D, nhưng Quốc hội đã đề nghị tăng ngân sách lên 26 triệu USD cho 5 năm đầu tiên và đã có kế hoạch đến năm 2017 sẽ triển khai máy in 3D ở 227 thư viện và 5885 trường học trên toàn quốc. Đồng thời, họ cũng có kế hoạch đến năm 2020, sẽ đào tạo được 10 triệu người Hàn Quốc biết sử dụng máy in 3D, tức là một phần sáu dân số Hàn Quốc hiện nay.
  • Ở Anh, năm 2014, Thủ tướng Anh công bố thành lập Trung tâm Quốc gia in 3D với khoản đầu tư 25 triệu USD. Trước đó, năm 2012, TSB (Technology Strategy Board) – cơ quan sáng tạo của Anh đã phát động một cuộc thi “Cảm hứng thiết kế tự do trong công nghệ in 3D” và đã tài trợ 11,5 triệu USD cho hoạt động hợp tác nghiên cứu để phát triển lĩnh vực này. Ngoài ra, Bộ Giáo dục Anh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với công nghệ in 3D khi triển khai một dự án thí điểm ở 21 trường Đại học trong nước nhằm đánh giá khả năng sử dụng máy in 3D trong mô hình giáo dục STEM (Science – Technology – Engineering – Mathematies) và sau đó đã mở rộng lên đến hơn 60 trường.
  • Ở Nhật Bản, Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã công bố một kế hoạch hỗ trợ cho việc sử dụng máy in 3D trong các trường học. Bộ này sẽ trợ giá mua sắm máy in 3D cho nhiều trường Đại học và Cao đẳng kỹ thuật. Khoản trợ cấp này cũng được dự kiến sẽ mở rộng đến các trường Trung học Cơ sở [3].

Tại Việt Nam, ngày 14/08/2020, theo công văn số: “3089/BGDĐT-GDTrH” Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục các cấp: từ tiểu học đến trung học phổ thông. Theo đó, có thể thấy giáo dục STEM đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền giáo dục của nước ta. Nó giúp người học tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thống nhất và tùy thuộc vào đặc thù về điều kiện cơ sở vật chất của các trường, cũng như của từng môn học nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng vào thực tiễn.

Bên cạnh giáo dục STEM, việc phát triển ngoại ngữ cho trẻ em cũng rất cần được chú trọng. Ngoại ngữ chính là điều kiện quan trọng để trẻ có thể tiếp cận và cập nhật nguồn tri thức từ khắp mọi nơi trên thế giới. Do đó, phát triển khả năng học ngoại ngữ có tầm quan trọng rất lớn đối với người học ngay từ khi còn nhỏ đặc biệt là trẻ em do ngôn ngữ tác động trực tiếp đến quá phát triển toàn diện của trẻ.

Tuy nhiên, trong quá trình dạy tiếng Anh cho trẻ em sẽ gặp không ít khó khăn. Ba mẹ có thể quá bận rộn với công việc và thời gian dạy tiếng Anh cho trẻ không nhiều khiến trẻ mau chóng quên đi. Phương pháp học tiếng Anh cũng là một vấn đề, việc học tiếng Anh thông qua ghi chép và học thuộc không thể khiến bộ não ghi nhớ những từ mới lâu được. Ngoài ra, việc học phát âm tiếng Anh cũng là vấn đề khó khăn đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ in 3D trong giảng dạy STEM cho cấp bậc mầm non và tiểu học cũng gặp không ít khó khăn. Quy trình chế tạo sản phẩm chung của công nghệ in 3D gồm 07 bước được minh họa trong hình 5:

Hình 5: Quy trình chế tạo sản phẩm bằng công nghệ in 3D

Trong đó:

Bước 1: Thiết kế mô hình 3D:

Thiết kế mô hình 3D của sản phẩm bằng các phần mềm CAD. Tất cả dữ liệu 3D điều phải được tạo ra ở dạng mô hình khối rắn (Solids).

 Bước 2: Định dạng dữ liệu:

Chuyển dữ liệu thiết kế sang định dạng STL hay định dạng chuyên dùng cho công nghệ in 3D.

Bước 3: Cài đặt thông số công nghệ:

Dữ liệu STL được chuyển sang phần mềm cắt lớp chuyên dùng để thiết lập điều chỉnh kích thước, lựa chọn vị trí và hướng chế tạo, tạo hệ thống đỡ phụ, …và cài đặt các thông số liên quan đến quá trình chế tạo sản phẩm như: Nhiệt độ, bề dày lớp, kiểu điền đầy,.. và tiến hành cắt lớp.

Bước 4: Chế tạo sản phẩm: 

Cho máy in tiếp nhận dữ liệu và thực thi lệnh theo lệnh cắt lớp để tiến hành chế tạo sản phẩm. Quá trình diễn ra hoàn toàn tự động.

Bước 5: Lấy sản phẩm:

Lấy sản phẩm ra khỏi bàn in sau khi quá trình chế tạo hoàn tất .

Bước 6: Hậu xử lý:

Tháo gỡ hệ thống đỡ phụ, lưu hóa, xử lý bề mặt, …(nếu có) bước này đòi hỏi thời gian, tính cẩn thận và kỹ năng.

Bước 7: Sử dụng sản phẩm:

Sản phẩm được sử dụng theo các tính năng yêu cầu khi thiết kế.

Trong khi đó, trẻ không có khả năng thiết kế mô hình 3D cũng như chuyển dữ liệu sang định dạng phù hợp với hệ thống công nghệ in 3D trên máy tính thông qua các phần mềm chuyên dụng. Không chỉ vậy, để chế tạo được một sản phẩm đạt chất lượng bằng công nghệ in 3D, trẻ phải hiểu rõ các thông số chế tạo và phải biết điều chỉnh cho phù hợp với máy từng loại máy in 3D và với từng hình dạng cụ thể của mô hình được thiết kế. Tiếp theo, trẻ phải chuyển tệp đã được định dạng vào máy in 3D và thực hiện các thao tác của quá trình chế tạo trên máy.

Những khó khăn trên khiến trẻ bị hạn chế khi sử dụng công nghệ in 3D trong quá trình học tập bởi các vấn đề cần tìm hiểu đa số không phù hợp với khả năng họ. Để giải quyết những khó khăn trên, chúng tôi đã phát triển một ứng dụng hỗ trợ việc học tiếng Anh và sử dụng công nghệ in 3D cho trẻ với các mục tiêu:

Về học tiếng Anh: Phát triển khả năng học tiếng Anh cho trẻ theo 3 phương diện nghe, đọc, hiểu. Với ứng dụng này, trẻ sẽ chủ động và linh hoạt hơn trong việc học tiếng Anh mà không cần nhiều sự hỗ trợ từ Ba Mẹ hoặc Thầy Cô. Theo phương pháp mà ứng dụng hỗ trợ, trẻ có thể ghi nhớ từ vựng và phát âm chuẩn hơn.

Về sử dụng công nghệ in 3D: Ứng dụng có khả năng hỗ trợ tối đa việc sử dụng in 3D phục vụ cho giảng dạy STEM. Để việc in 3D trở nên đơn giản, ứng dụng đã lược bỏ các bước gây khó khăn cho trẻ, trẻ có thể tạo ra sản phẩm chỉ bằng một vài thao tác trên ứng dụng. Điều này giúp trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức bài học thông qua mô hình sản phẩm mà không cần dành thời gian tìm hiểu về các công đoạn phức tạp của in 3D.

ĐÃ CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP NÀO HIỆN NAY ĐỂ XỬ LÝ VẤN ĐỀ TRÊN

Hiện nay, chưa có giải pháp nào liên quan đến mục tiêu của dự án đưa ra.

GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT

Dự án hướng đến việc hỗ trợ học tiếng Anh và hỗ trợ sử dụng công nghệ in 3D để giảng dạy và học tập STEM cho các em học sinh mầm non và tiểu học thông qua một ứng dụng nhận diện ảnh vật thể bằng công nghệ AI (Artificial Intelligence). Ứng dụng có tính phối hợp để mang lại sự tương tác cao và hứng thú trong quá trình học bằng cách nhận diện đồ vật thông qua Google Cloud Vision, với backup plan bằng yolov3. Cụ thể:

Hình 6: Ví dụ giao diện khi đăng nhập vào ứng dụng

 

  • Truy cập vào ứng dụng: Mở ứng dụng, đăng nhập bằng tài khoản riêng như hình 6.
  • Chụp ảnh vật thể: Sử dụng camera trên các thiết bị thông minh thông minh ( điện thoại, ipad,…).
  • Sau khi chụp, hình ảnh của vật thể sẽ được hiển thị trên giao diện ứng dụng cùng với tên tiếng Anh của nó, đồng thời ứng dụng sẽ liên kết với kho CSDL để đưa ra những hình ảnh tương tự. Tại đây, ứng dụng cũng có chức năng phát âm cho những vật đó nếu được nhấn chọn. Với ứng dụng mà chúng tôi đã xây dựng, trẻ em có thể học từ vựng một cách linh hoạt bằng việc chụp hình bất kỳ vật thể nào.

Hình 7: Ví dụ chức năng hỗ trợ học tiếng Anh bằng ứng dụng đề xuất

  • Từ hình ảnh chụp được, ứng dụng sẽ liên kết với kho CSDL có chứa các mô hình thiết kế (dưới dạng hình ảnh) phục vụ cho việc in 3D. Trong kho dữ liệu này, ngoài hình ảnh được chụp sẽ có thêm những hình ảnh vật thể tương tự. Trẻ em có thể chọn một ảnh bất kì để kết nối và chế tạo trên máy in 3D. Điều này cho phép đơn giản hoá quy trình thiết kế và in 3D. Thiết bị chứa ứng dụng nhận diện bằng AI sẽ được kết nối với máy in thông qua mạng wifi và điều khiển việc in một cách tự động bằng cách nhấn vào 1 trong các hình ảnh được hiển thị. Từ đó, trẻ có thể dễ dàng thao tác trên ứng dụng để tạo ra mô hình thực tế của vật thể đó thông qua chức năng in 3D. Ứng dụng có giao diện đơn giản phù hợp với giáo dục bậc mầm non và tiểu học.

Sơ đồ nguyên lý làm việc

Ưu điểm nổi bật của hệ thống này là việc tối ưu hóa nhận diện vật mẫu giúp người dùng nhận diện mẫu và truy xuất mẫu trên kho CSDL một cách nhanh chóng đồng thời chúng tôi đã rút ngắn quá trình giúp việc in dễ dàng hơn người dung chỉ cần chọn file và in theo mẫu, không cần setup máy in – một công đoạn khá khó khăn cho người mới bắt đầu đặc biệt hơn nữa là các em nhỏ.

Đối với trẻ, lần đầu tiếp cận với công nghệ in 3D sẽ gặp không ít khó khăn về thao tác chuẩn bị trên máy in nên chúng tôi đã tích hợp camera có kết nối internet trên máy in để xem trực tuyến hoặc ghi lại quá trình in. Từ đó, bậc phụ huynh và giáo viên có thể giám sát và hướng dẫn cho con em mình.

Kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

  • Các nguyên vật liệu cần sử dụng trong sản xuất

Bảng B-1. Chi phí đơn vị và tên các nguyên vật liệu cần cho sản xuất

  • Phân tích rủi ro về các tác động của môi trường, thị trường đến dự án và đề xuất giải pháp đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh

Bảng B-2. Bảng phân tích rủi ro và đề xuất giải pháp

Xây dựng kênh phân phối

  • Kênh phân phối trực tiếp: đăng ký bán hàng trên Website, Facebook
  • Kênh phân phối gián tiếp: tiến hành phân tích các phương án khả thi để phân phối. Nhận thấy, theo số liệu báo cáo Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam [4] do iPrice insights cập nhật vào ngày 03/03/2020 cho thấy Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng. Vì vậy, nhóm quyết định lựa chọn sử dụng Shoppee làm kênh bán hàng online.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT ngày 21/10 cho thấy cả nước hiện có gần 15.500 trường mầm non, tăng 2.600 trường so với năm 2010 [5]. Số liệu thống kê giáo dục tiểu học năm học 2018 – 2019, có 13.970 trường tiểu học trên cả nước, giảm so với các năm trước (2017-2018: 14.937 trường) [6]. Được biết toàn thành phố có 2.353 trường, gồm 1.346 trường mầm non, 500 trường tiểu học [7].

Dự án đặt ra mục tiêu ngắn hạn hướng đến 30% số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Bảng B-3. Kế hoạch xây dựng kênh phân phối

 

Kế hoạch phát triển mở rộng thị trường

  • Cơ cấu tổ chức dự kiến qua từng năm.

Bảng B-4. Bảng lộ trình và cột mốc phát triển của dự án

Bán sản phẩm:

  • Dựa vào chi phí cấu thành nên sản phẩm, dựa vào phân khúc thị trường những dòng sản phẩm cạnh tranh cùng phân khúc, nhóm nghiên cứu định giá sản phẩm phân phối đến người tiêu dùng là: 7.000.000 VND.

Dự kiến doanh thu:

  • Theo quy tắc đánh giá dựa trên kinh nghiệm thì chi phí marketing chiếm bao nhiêu doanh thu nói chung: Các doanh nghiêp đang giới thiệu sản phẩm hoặc thương hiệu mới, hay thâm nhập thị trường mới thường chi đến 20% doanh thu (đôi khi là cao hơn) cho Marketing. Và nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng cao cấp thậm chí còn chi tiêu mạnh tay hơn cho hoạt động Marketing của mình [8]. Sau khi nghiên cứu và tham khảo thị trường, chúng tôi đưa ra chiến lược phân bổ Marketing cho dự án được thể hiện trong bảng B-5.

Bảng B-5. Phần trăm phân bổ doanh thu cho Marketing trong vòng 5 năm

Nguồn lực hiện tại

  • Sinh viên

Trần Hoàng Duy Thuận – Sinh viên năm 3 trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM, chuyên ngành Cơ khí.

Ưng Văn Thành – Sinh viên năm 3 trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM, chuyên ngành Cơ khí.

Lê Hiếu Tình – Sinh viên năm 3 trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM, chuyên ngành Cơ khí.

Lâm Anh Dũng – Sinh viên năm 3 trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM, chuyên ngành Khoa học máy tính.

Trương Ngọc Minh Châu – Sinh viên năm 3 trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM, chuyên ngành Khoa học máy tính.

  • Giảng viên hướng dẫn

ThS. Huỳnh Hữu Nghị – Giảng viên khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM.

PGS.TS Quản Thành Thơ – Giảng viên khoa học và Kỹ thuật Máy tính – Trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM,

PGS.TS Bùi Trọng Hiếu – Giảng viên khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM.

Võ Thanh Hằng – Giảng viên khoa Môi trường và Tài nguyên – Trường Đại học Bách Khoa – TP.HCM.

  • Cơ sở vật chất: Phòng làm việc, phòng chế tạo được cung cấp bởi trường.

Kế hoạch phát triển trong tương lai

Cơ cấu tổ chức dự kiến.

  • Trong những năm đầu, nguồn lực chính chủ yếu là thành viên nhóm với năng lực 5 người (gồm CEO, Trưởng nhóm công nghệ, Kỹ sư, Trưởng nhóm tài chính-kế toán). Trong tương lai, khi sản lượng tăng sẽ có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân công hỗ trợ sản xuất.
  • Đối tác: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ – Trường Đại học Bách khoa, Khu Công nghệ cao TPHCM.
  • Nguồn vốn:

Bảng B-6. Kế hoạch nguồn lực tài chính

Kế hoạch truyền thông tổng thể

 

Kế hoạch truyền thông tổng thể của dự án theo từng cột mốc năm được trình bày như sau:

  • Năm 2022: Xây dựng thương hiệu, đánh bóng tên tuổi để mọi người biết đến. Sử dụng các hình thức truyền thông online: Báo điện tử, Facebook (Fanpage + Ads). Tạo mối liên hệ với khách hàng: tạo trang Web riêng, Hotline để liên hệ. Tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm: Gian hàng tại trường học, siêu thị, nhà sách. Tham gia các sự kiện, cuộc thi.
  • Năm 2023 – 2024: Đẩy mạnh bán hàng. Đánh giá phương án truyền thông của năm đầu và đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Khảo sát ý kiến khách hàng, cải tiến sản phẩm. Duy trì mối quan hệ với khách hàng bằng các phương thức truyền thông online. Tạo thêm nhiều mối quan hệ với khách hàng mới thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
  • Năm 2025 – 2026: Mở rộng phân khúc khách hàng. Sau khi có một lượng khách hàng trên thị trường, tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới. Có thể lên kế hoạch hướng đến các đối tượng khách hàng khác (các doanh nghiệp, trường học, nhà sách).

Bảng B-7: Kế hoạch truyền thông tổng thể của Dự án trong vòng 5 năm đầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] “ Đánh giá thực trạng giáo dục STEM trên thế giới và giáo dục STEM tại Việt Nam” truy cập tại:

https://robotsteam.vn/thuc-trang-giao-duc-stem-tren-the-gioi-va-giao-duc-stem-tai-viet-nam

[2] “Giáo dục STEM với máy in 3D” truy câp tai:

https://khoahocphattrien.vn/khoahoc/giaoducstemvoimayin3d/20170810093427460p1c160.htm?fbclid=IwAR1IH0zYQplbS7Rm7aIaXKryQVEqd9xAR3f4jL3YLIJU0FDVG3JuEV6Gc1o

[3] “CÁC DỰ ÁN NGHIÊN CỨU, TRIỂN KHAI CÔNG NGHỆ IN 3D TRÊN THẾ GIỚI & THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC” truy cập tại:

http://butsapmau.com/cong-nghe-in-3d-tren-the-gioi-post84

[4] “Thương mại điện tử trong phát triển kinh tế tại Việt Nam” truy cập tại:

https://andrews.edu.vn/bao-cao-chi-so-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-2020/

[5] “Cả nước có 15.500 trường mầm non” truy cập tại:

http://daidoanket.vn/ca-nuoc-co-15500-truong-mam-non-521225.html

[6] “Số liệu thống kê giáo dục tiểu học năm học 2018 – 2019” truy cập tại:

https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ke-giao-duc-tieu-hoc.aspx?ItemID=6632

[7] “TP.HCM: Năm học 2020-2021 có 1,74 triệu học sinh, tăng hơn 54.000 học sinh” truy cập tại:

https://tuoitre.vn/tp-hcm-nam-hoc-2020-2021-co-1-74-trieu-hoc-sinh-tang-hon-54-000-hoc-sinh-20200704001231309.htm

[8] “Chi phí Marketing bao gồm những gì các nhà quản lý cần biết” truy cập tại:

https://marketingai.admicro.vn/chiphimarketingbaogomnhunggi/?fbclid=IwAR0fq8a8hHStXp-2dUCLey3lHxTG_cAHFz5b5-z6udhPBiZUhGdlrF1BZEQ

Hãy bình chọn để ủng hộ nhóm dự án! Thời hạn bình chọn đến hết ngày 7/7/2021
135 votes
Bình chọnKết quả
Tham gia nhóm thảo luận với S&IP ngay tại: