Câu hỏi “Nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học là đào tạo hay nghiên cứu? Hoạt động nào quan trọng hơn?” đã được nhiều nền giáo dục đặt ra từ lâu. Dễ thấy, ở các trường đại học hàng đầu thế giới hay khu vực, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam. Khả năng “kiếm tiền” của giảng viên/nhà khoa học từ nghiên cứu là cực kỳ lớn và cũng là nguồn thu chủ yếu.

Còn ở Việt Nam từ trước đến nay, hoạt động đào tạo luôn được các cơ sở giáo dục đại học xem là mục tiêu “sống còn”. Trường thu học phí của sinh viên, tôn chỉ mục đích chính là dạy học cho sinh viên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chủ trương áp dụng cơ chế tự chủ của Chính phủ đối với các trường đã thúc đẩy các cơ sở giáo dục bậc cao này tiệm cận với cơ chế thị trường. Nói một cách khác là các trường phải quan tâm đến việc tạo được các sản phẩm, dịch vụ tốt cho thị trường từ nguồn lực của mình.

Theo khảo sát, các loại sản phẩm/dịch vụ có thể thương mại hóa từ trường đại học có thể bao gồm (nhưng không giới hạn) các loại hình sau:
(1) Các chương trình đào tạo dài hạn đóng gói (với các module và nội dung chuẩn hóa);
(2) Các chương trình đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ ngắn hạn thường xuyên;
(3) Các chương trình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp;
(4) Các kết quả R&D từ nhà trường;
(5) Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp (hiện nay tập trung chủ yếu là tư vấn quản trị sản xuất, không phát triển về tư vấn quản trị kinh doanh);
(6) Cho thuê cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu.

NHỮNG LỖ HỔNG CẦN ĐƯỢC LẤP ĐẦY

Thực tế, tình hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường ở Việt Nam còn rất thiếu hiệu quả. Đầu tiên là đội ngũ giảng viên vẫn có thói quen nghiên cứu để công bố mà chưa lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, chưa lắng nghe nhu cầu của thị trường; chưa kể đến sự e ngại của đội ngũ nghiên cứu liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền SHTT, tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa trường và giảng viên từ hoạt động CGCN.

Ở cấp trường, công nghệ dừng lại ở phòng thí nghiệm nên rủi ro cao khi triển khai ứng dụng hoặc các trường ĐH còn xem nhẹ việc nghiên cứu những đề tài, giải pháp có giá trị đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội. Về phía ngược lại, các doanh nghiệp mua công nghệ của nước ngoài vì tâm lý sính ngoại và không có niềm tin vào kết quả nghiên cứu của các trường.

Tất cả những tồn tại này có thể được giải quyết bằng sự hỗ trợ của Nhà nước với vai trò nhà làm chính sách, đưa ra các chính sách hỗ trợ, làm cầu nối. Trên thực tế, các lỗ hổng này sẽ được lấp đầy bởi các chức năng của đơn vị trung gian, đó là Tổ chức Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (viết tắt là TC.TMHKQNC) tại các trường Đại học.

Có 03 lỗ hổng cần phải lấp đầy trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đó là: Lỗ hổng khám phá công nghệ (thông tin hai chiều); Lỗ hổng thương mại hoá (cơ chế định giá và hợp tác chuyển giao); và Lỗ hổng thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (vấn đề SHTT và truyền thông).

CON ĐƯỜNG THỰC HIỆN VẪN CÒN NHIỀU TRẮC TRỞ

Riêng tại TP.HCM, hiện tại việc sáng chế được thương mại hoá tương đối khả quan nhưng chỉ mới tập trung một số trường như: ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, … và sức lan tỏa thương mại hoá cũng chưa đạt kết quả cao.

Trên địa bàn TP.HCM từ năm 2014 đến quý 2 năm 2017 có tổng cộng 491 sáng chế đăng ký bảo hộ nhưng kết quả chỉ được 52 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ, chiếm tỉ lệ rất ít là 10%. Còn 256 giải pháp hữu ích có đơn đăng ký thì chỉ 35% được cấp văn bằng bảo hộ.

Nhằm giúp các tổ chức giáo dục và các cá nhân trong ngành có cái nhìn tổng quan về hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu đồng thời đề xuất các hướng đi giúp lấp đầy các lỗ hổng được phân tích ở trên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học, bài học từ các nước, hiện trạng và đề xuất mô hình thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học”.

Thông tin chi tiết:
– Thời gian: 13:30-16:30 Thứ 2, ngày 20 tháng 7 năm 2020
– Địa điểm: Hội trường Thông tấn xã Việt Nam, 116 – 118 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP.HCM

👉 ĐĂNG KÝ NGAY tại https://innotek.tech/home/reg-tto/

Theo: facebook.com/saigoninnovationhub




Chia sẻ