Bên cạnh việc nhiều người dùng còn chưa có thói quen trả tiền khi sử dụng thành quả lao động sáng tạo của người khác, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng xâm phạm quyền tác giả hiện nay còn là do lỗi của chính các tác giả.

Theo luật sư Nguyến Thế Truyền – Công ty luật hợp danh Thiên Thanh (Hà Nội), nguyên nhân là do các tác giả không thực sự hiểu hết giá trị của các tài sản trí tuệ trong việc phát triển khả năng cạnh tranh của cá nhân cũng như doanh nghiệp, dẫn đến chưa có sự chuẩn bị tốt để bảo vệ các tài sản đó một cách đầy đủ.
Xung quanh vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền hiện nay, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyến Thế Truyền.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền. Ảnh: Đông Phương
Là một chuyên gia pháp lý, ông có nhận xét gì về tình trạng vi phạm bản quyền và công tác bảo vệ bản quyền ở Việt Nam hiện nay?
Trong thời gian qua, Nhà nước rất quan tâm đến việc bảo hộ quyền tác giả nhằm bảo vệ những thành quả lao động từ sự sáng tạo của các cá nhân và đơn vị. Chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009), trong đó có quy định về quyền tác giả. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau như người dùng vẫn còn tâm lý sử dụng miễn phí chứ không có thói quen là phải trả tiền khi sử dụng thành quả lao động sáng tạo của người khác, nên kết quả thực thi luật vẫn chưa được như mong muốn.
Người dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc tìm hiểu các quy định về quyền tác giả, nên chuyện xâm phạm vẫn diễn ra. Chẳng hạn, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về việc phải trả tiền bản quyền ca khúc khi mở nhạc phục vụ khách trong các quán giải khát. Đó là quy định, nhưng trên thực tế thì các quán giải khát nói riêng cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác hầu như chưa thực hiện.
Việc vi phạm quyền tác giả còn xảy ra ngay trong các cấp trường học và đối tượng vi phạm gồm cả học sinh, sinh viên và giáo viên, với các hình thức phổ biến là photocopy tài liệu, giáo trình, sách tham khảo, luận án… của người khác để phổ biến nhưng không được sự cho phép của tác giả, hoặc sử dụng kiến thức trong các tài liệu, trang thông tin mà không trích dẫn nguồn.
Ở góc độ pháp luật, theo ông hệ thống văn bản quy phạm, các chế tài xử lý đã đủ mạnh và bao phủ những vấn đề liên quan đến bản quyền hay chưa?
Như tôi đã trao đổi ở trên, việc xâm phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tác giả đa phần được thực hiện bởi những cá nhân có trình độ chuyên môn, cộng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, những thiết bị, phương tiện phạm tội ngày càng tinh vi nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe khiến thực trạng xâm phạm quyền tác giả ngày càng trở nên phổ biến.
Theo quy định của pháp luật, hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Theo thống kê thì đa phần hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện nay mới chỉ xử phạt hành chính. Nghị định 131/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã nêu cụ thể về mức phạt đối với từng hành vi.
Tuy nhiên mức xử phạt không cao, trong đó các hành vi phổ biến như xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm chỉ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng (Điều 9); xâm phạm quyền công bố tác phẩm phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (Điều 11); hay xâm phạm quyền phân phối tác phẩm mới chỉ dừng ở mức 10 đến 30 triệu đồng (Điều 15). Tôi cho rằng mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm, trong khi họ được hưởng lợi rất nhiều bằng việc vi phạm bản quyền tác giả.
Lâu nay, câu chuyện bản quyền nhiều khi được ví như “mất bò mới lo làm chuồng”, ông có khuyến cáo gì về vấn đề này?
Nói đi thì cũng phải nói lại, nguyên nhân dẫn đến việc xâm phạm quyền tác giả một phần cũng là do lỗi của chính tác giả. Những người đã sáng tạo ra tác phẩm chưa thực sự hiểu hết giá trị của các tài sản sở hữu trí tuệ trong việc phát triển khả năng cạnh tranh của cá nhân, đặc biệt là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường không quan tâm bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên các tài sản sở hữu trí tuệ bị sao chép, đánh cắp hay bị lợi dụng danh tiếng khi sản phẩm, dịch vụ được lưu thông trên thị trường.
Khi vào TPP, bên cạnh sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… còn có những thứ đặc biệt như âm thanh, mùi hương cũng sẽ được bảo hộ nhãn hiệu. Các doanh nghiệp cần chủ động trang bị các công cụ pháp lý để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters
Để các doanh nghiệp có thể tạo lập được giá trị lớn trong bối cảnh hầu hết nguồn lợi có được là nhờ giá trị của danh tiếng, chất lượng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ cung cấp nhiều hơn so với giá trị của nguồn vốn hữu hình, theo tôi có một số lưu ý:
Thứ nhất và quan trọng nhất là phải đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm, vì nếu có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì khi xảy ra tranh chấp sẽ không cần phải chứng minh quyền tác giả.
Thứ hai là cá nhân, doanh nghiệp phải ý thức được quyền của mình đối với các tài sản trí tuệ. Khi là chủ sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức và cá nhân có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng được bảo hộ; ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng được bảo hộ; định đoạt đối tượng được bảo hộ như thương mại hóa thông qua góp vốn, chuyển nhượng, mua bán, chuyển giao quyền sử dụng…
Thứ ba là chủ động bảo vệ quyền đã được xác lập. Khi có một bên nào đó có hành vi xâm phạm, cần biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Cá nhân, doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước xử lý hoặc đơn vị chủ quản các trang mạng gỡ bỏ thông tin có khả năng ảnh hưởng đến chủ sở hữu, đồng thời yêu cầu xử lý hành vi vi phạm thông qua các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự.
Là một luật sư, ông đã tham dự bảo vệ cho thân chủ nào bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa và câu chuyện đó có gợi mở gì đối với các đơn vị, doanh nghiệp khác?
Vụ việc gần đây nhất tôi tham gia tư vấn, bảo vệ cho khách hàng liên quan đến vấn đề sỏ hữu trí tuệ là việc ba cá nhân cùng chung vốn mở công ty để kinh doanh. Sau vài năm, danh tiếng của công ty cũng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nhãn hiệu của công ty không được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nên một thành viên công ty đã tách ra làm riêng và vẫn sử dụng nhãn hiệu đó để kinh doanh.
Câu chuyện tôi muốn nhắc đến cũng là lời nhắn nhủ tới các doanh nghiệp xoay quanh vấn đề bảo hộ bản quyền, thương hiệu của mình. Việc xâm phạm bản quyền tên thương hiệu trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Do đó, tốt hơn hết là hãy đăng ký bản quyền khi sáng tạo ra thương hiệu, nhãn hiệu hoặc bất cứ sản phẩm trí tuệ nào khác. Việc làm này không chỉ giảm thiểu những khó khăn trong hoạt động kinh doanh mà còn hạn chế được những rủi ro pháp lý trong trường hợp có vi phạm bản quyền.
Để phác họa bức tranh toàn cảnh về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ông có thể đưa ra những nhận định gì?
Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì trong những năm gần đây, các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có xu hướng gia tăng và gây ra thiệt hại kinh tế không nhỏ. Thực trạng này sẽ vẫn xảy ra nếu bản thân các cá nhân, tổ chức, đơn vị không hành động để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp thường chú trọng vào việc xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp nhưng lại quên mất khâu đăng ký bảo hộ của mình. Đây sẽ là kẽ hở để kẻ gian trục lợi, khiến doanh nghiệp chịu thiệt trong các vụ tranh chấp bản quyền cũng như gây khó khăn trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ.
Hiệp định TPP đã được ký kết, sân chơi mới mở ra đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh để hội nhập. Ngoài những đổi mới về thể chế chính sách từ Nhà nước để giúp môi trường kinh doanh thêm lành mạnh, chính các doanh nghiệp cũng cần tự trang bị những công cụ để tự bảo vệ chính mình.
Điều 170a, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định cụ thể về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm:a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần.3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo: Đông Phương (Báo Khoa học và Phát triển, 7/2/2017)



Chia sẻ