Trong những tháng đầu năm 2019, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) tại việt Nam nhận được sự chú ý rất lớn  từ xã hội. Đầu tiên là phản ứng đối với những thay đổi quan trọng về SHTT khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (tiền thân là TPP) có hiệu lực vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 (chúng tôi sẽ đề cập cụ thể trong một bài phân tích khác).

Sau đó, sự chú ý của dư luận chuyển hướng sang hai vụ kiện bản quyền tác giả liên quan đến các tác phẩm phái sinh, khi Tòa án Nhân dân Quận 1 – TP. HCM xử lý vụ án kéo dài 12 năm vào ngày 18 tháng 2 năm 2019. Đó là vụ việc tranh chấp giữa một họa sỹ tên Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) người từng làm việc cho công ty Phan Thị. Năm 2001, theo yêu cầu của công ty Phan Thị, ông Linh đã sáng tác bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt. Năm 2002, hình ảnh bốn nhân vật chính của bộ truyện đã được đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả trong đó ghi nhận công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, giám đốc của công ty và ông Linh là đồng tác giả. Ông Linh tiếp tục thực hiện các tập tiếp theo của bộ truyện tranh cho đến tập số 78, sau đó ông nghỉ việc. Tranh cãi nảy sinh vào năm 2007 khi ông Linh phát hiện ra rằng, sau khi ông nghỉ việc, Phan Thị tiếp tục hợp tác với các họa sĩ khác xuất bản các tập tiếp theo của bộ truyện tranh, đồng thời họ cũng tạo ra các phiên bản biến thể từ các nhân vật gốc do ông Linh tạo ra.

Bốn nhân vật trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt (Nguồn ảnh: zing.vn)

Ở cách TP. HCM 1730km – Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cũng ra một quyết định về một tình huống pháp lý tương tự. Tuần Châu Hà Nội đã thuê đạo diễn Việt Tú dàn dựng một vở diễn ngoài trời. Kịch bản vở diễn đã được ĐD Việt Tú đăng ký bản quyền tác giả. Tuy nhiên, Tuần Châu Hà Nội đã chấm dứt hợp đồng và ủy quyền cho một đạo diễn khách thực hiện một vỡ diễn khác mang tên Tinh Hoa Bắc Bộ và đạt nhiều thành công. Tranh chấp đã nảy sinh khi ĐD Việt Tú tuyên bố rằng Tinh Hoa Bắc Bộ là một tác phẩm phái sinh từ kịch bản đầu tiên của ông, và yêu cầu tòa án công nhận việc này.

Hai tình huống tương tự – Hai bản án khác nhau

Trong vụ án Thần Đồng Đất Việt, tòa án phán quyết rằng hình ảnh của bốn nhân vật là một tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, một loại tác phẩm có bản quyền mà nghệ sĩ là tác giả duy nhất. Do đó, giám đốc công ty không được thừa nhận là đồng tác giả, mặc dù bà đã cung cấp ý tưởng và kinh phí cho ông Linh. Tòa án cũng xác định các biến thể của bốn nhân vật là tác phẩm phái sinh. Quan trọng hơn, tòa cho rằng việc tạo ra các tác phẩm phái sinh mà không có sự cho phép của tác giả là vi phạm quyền nhân thân thuộc nhóm quyền tác giả theo Khoản 4 Điều 19 Luât SHTT. Căn cứ vào đó, tòa án phán quyết rằng việc Phan Thị tiếp tục thực hiện các tập tiếp theo của bộ truyện là hành vi bất hợp pháp.

Trong khi đó, tại Hà Nội, tòa án phán quyết rằng vở kịch sau này là một tác phẩm phái sinh, nhưng lại không công nhận quyền cho phép tạo ra tác phẩm phái sinh như là một quyền nhân thân thuộc quyền tác giả, thay vào đó, tòa án TP. Hà Nội xem nó dưới phạm vi quyền tài sản. Do đó, tòa án phán xét rằng công ty Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu của tác phẩm gốc nên dĩ nhiên có toàn bộ quyền tài sản của tác phẩm gốc bao gồm quyền được tạo ra các tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc, điều này được được căn cứ theo điểm a khoản 1 điều 20 Luật SHTT. Tác giả vẫn sở hữu các quyền nhân thân thuộc phạm vi quyền tác giả, nhưng việc tạo ra các tác phẩm phái sinh, theo quan điểm của tòa án Hà Nội, đã không vi phạm các quyền nhân thân của ĐD Việt Tú. Phán quyết này hoàn toàn trái ngược với phán quyết của Tòa án trong vụ Thần Đồng Đất Việt. 

Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ (Nguồn ảnh: Tienphong.vn)

Những mâu thuẫn pháp lý

Sự mâu thuẫn trong kết luận của Tòa án có lẻ xuất phát từ mẫu thuẫn trong chính Luật SHTT. Xin nhắc lại, Theo điểm a Khoản 1 Điều 20 Luật SHTT thì quyền tài sản bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh. Quyền này thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả (trong 2 trường hợp trên là Phan Thị và Tuần Châu Hà Nội). 

Còn theo khoản 4 Điều 19 Luật SHTT thì Quyền nhân thân bao gồm quyền được “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” (có thể hiểu là quyền ngăn cản sự làm ra tác phẩm phái sinh). Quyền này hoàn toàn thuộc về tác giả (trong 2 trường hợp trên là Lê Linh và Việt Tú). 

Như vậy, Khi hai chủ thể này (chủ sở hữu và tác giả) là 1 hoặc có sự đồng thuận thì mọi chuyện tốt đẹp. Trong trường hợp “cơm không lành canh không ngọt” thì vấn đề tranh chấp sẽ phát sinh. Trong khi chờ đợi những vướng mắc này được các cơ quan có thẩm quyền khắc phục, các chủ thể cần phải có sự cẩn trọng. Tốt nhất nên có thỏa thuận bằng văn bản về hướng xử lý để đề phòng trường hợp một trong hai bên có nhu cầu ngưng hợp tác.

Thực hiện: Hữu Thống




Chia sẻ