Các tuyên bố tăng thuế quan của Hoa Kỳ nhằm vào hầu hết mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng dư luận dường như chỉ tập trung vào cái tên Huawei, với việc Hoa Kỳ ra lệnh cấm các công ty của mình hợp tác với tập đoàn này. Đi kèm với đó là các cáo buộc Huawei đã đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Hoa Kỳ.

Đã có nhiều bài viết phân tích cách thức được cho là tập đoàn này dùng để sao chép các sáng chế. Từ đó, dư luận dễ dàng suy ra, Trung Quốc phải chịu sự trừng phạt do đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (chủ yếu là các sáng chế) thuộc sở hữu của đối tác.

Số lượng sáng chế của Trung Quốc tăng nhanh

Tuy nhiên, các số liệu gần đây từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) nhấn mạnh tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu của Trung Quốc. Trong năm 2017, Hoa Kỳ đăng ký bảo hộ 56.624 sáng chế (patent), bám sát nút là Trung Quốc với 48.882 sáng chế.

Trong số 10 quốc gia sở hữu sáng chế hàng đầu thế giới, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có mức tăng trưởng hằng năm hai con số (+13,4%/năm). Trong khi đó, “ông lớn” Hoa Kỳ chỉ tăng khiêm tốn với 0,1% /năm. Theo nhiều dự báo, trong vòng ba năm tới, Trung Quốc có khả năng vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế.

10 quốc gia có số lượng sáng chế cao nhất thế giới. Nguồn: WIPO

Nếu xét ở quy mô tổ chức thì không có tổ chức nào có thể vượt qua Trung Quốc về số đơn sáng chế. Trong số 10 tổ chức sở hữu sáng chế hàng đầu thì hai vị trí đầu tiên lần lượt thuộc về hai đại diện của Trung Quốc. Đó là Huawei và tiếp theo là ZTE (ZTE Corporation).

10 công ty hàng đầu về sáng chế. Nguồn: WIPO    

Ai cũng biết sự sáng tạo nói chung phải được sinh ra từ sản xuất. Các quốc gia cũng phải thừa nhận một thực tế rằng việc di chuyển công xưởng quốc nội ra khỏi lãnh thổ đến một lúc nào đó cũng chính là di chuyển một phần sự sáng tạo ra khỏi lãnh thổ của mình. Và việc trỗi dậy của Trung Quốc hoặc các quốc gia đang phát triển trong thời gian gần đây chỉ là sự chứng minh cho tính tất yếu đó. Họ đã có một thời gian dài đi từ bước học hỏi, nhận chuyển giao công nghệ, với đa dạng các mặt hàng sản phẩm micro cổ ngỗng, loa treo tường làm chủ công nghệ và đến bước thật sự sáng tạo công nghệ như hiện nay.

Hệ thống pháp lý sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện

Hoa Kỳ đã bỏ ra rất nhiều công sức để giúp (hoặc gây áp lực) đến các nước (bao gồm Trung Quốc) để hoàn thiện hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ. Việc này chủ yếu là nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ sang đầu tư làm ăn tại đây. Nhưng nhờ đó mà môi trường pháp lý về sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc đã được cải thiện mạnh mẽ. Hệ thống tư pháp đã được tăng cường và tính thực thi cũng tốt hơn.

Tiêu biểu như việc Trung Quốc hình thành các tòa án chuyên về tranh chấp sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp nước này cũng đã được điều chỉnh theo hướng tăng chế tài xử lý đối với các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tổng số vụ việc liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được xử lý năm 2018 là 228.000 vụ, tăng 41,8% so với năm trước. Ngoài ra, chiến dịch thanh lọc các công ty sản xuất và kinh doanh hàng hóa sao chép kiểu dáng, nhãn hiệu được đẩy mạnh cũng cho thấy có sự chuyển biến tích cực trong môi trường pháp lý sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc.

Vấn đề là dường như các doanh nghiệp Hoa Kỳ khó có thể chấp nhận thực tế rằng hệ thống pháp lý sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện ở Trung Quốc cùng với sự gia tăng các bằng sáng chế của người Trung Quốc thì đến môt lúc nào đó sẽ hút dần lợi nhuận ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ. Bởi vì bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu có độc quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng sáng chế của mình cho nên nó (tức quyền sở hữu trí tuệ) sẽ là công cụ mà các chủ thể dùng để tấn công hoặc kìm hãm đối thủ.

Ngay trong thời điểm căng thẳng của chiến tranh thương mại, Huawei đã kiện nhà mạng Verizon của Hoa Kỳ phải trả hơn 1 tỷ USD cho hơn 230 bằng sáng chế mà Huawei tuyên bố đang là chủ sở hữu. Điều này là có cơ sở vì dù Verizon không mua bất kỳ thiết bị nào của Huawei nhưng họ lại phụ thuộc vào hơn 20 nhà cung cấp đang sử dụng công nghệ của tập đoàn này. Trong tình trạng “chiến tranh thương mại”, những vụ kiện tương tự được dự báo là sẽ càng tăng trong tương lai.

Một mặt, Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng các sáng chế của doanh nghiệp họ, mặt khác các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng sẽ đứng trước nguy cơ bị kiện ngược bởi Trung Quốc, và kết quả là cả hai bên đều phải trả một cái giá khá đắt. Đó là sự sụt giảm lợi nhuận, đồng thời, sự tiến bộ công nghệ nói chung cũng bị chậm lại mà ví dụ tiêu biểu nhất là việc đình chỉ triển khai mạng 5G ở Hoa Kỳ và châu Âu.

Trong tình hình cả hai bên đều đang “ngấm đòn” bởi tranh chấp thương mại, đồng thời áp lực của các doanh nghiệp đè lên Chính phủ Hoa Kỳ, khả năng cao là hai bên sẽ lại tiến hành thêm các cuộc thương lượng để kết thúc tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc thảo luận thương mại nào cũng cần phải chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện môi trường pháp lý sở hữu trí tuệ và hơn thế nữa họ ngày càng sở hữu nhiều hơn các sáng chế quan trọng ảnh hưởng đến các thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế giới trong tương lai.

Thực hiện: Hữu Thống (Bản quyền bài viết thuộc Bản tin ĐHQG-HCM)




Chia sẻ